Hoạt động sản xuất công nghiệp Cao Bằng 2012
Lượt xem: 217
Mặc dù trong năm 2012 còn gặp nhiều khó khăn, các đơn vị sản xuất đã chủ động khắc phục khó khăn, đưa ra các giải pháp hợp lý để duy trì hoạt động sản xuất có hiệu quả theo đó:
Tổ chức sản xuất hợp lý tránh giờ cao điểm để tiết kiệm năng lượng; đầu tư, cải tạo, nâng cấp công nghệ thiết bị đảm bảo sử dụng tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí, chủ động bảo dưỡng, sửa chữa, máy móc thiết bị.. Một số sản phẩm công nghiệp sản xuất vẫn có mức tăng trưởng trên 10% so với năm 2011 như: Đường kính, tinh quặng chì, tinh quặng kẽm, điện thương phẩm, gạch xây quy chuẩn, thiếc thỏi. Tuy nhiên, sản lượng một số sản phẩm công nghiệp đạt thấp, làm cho hiệu quả sản xuất kinh doanh kém; nguyên nhân chủ yếu là do biến động giá cả thị trường nguyên nhiên vật liệu đầu vào tăng, sản phẩm giảm giá, tiêu thụ chậm, sản xuất còn phụ thuộc vào nhu cầu thị trường,... không phát huy được năng lực sản xuất; đặc biệt là đối với một số nhà máy chế biến khoáng sản phải tạm ngừng sản xuất hoặc dừng sản xuất để di rời địa điểm theo kế hoạch di rời của tỉnh. Các sản phẩm chế biến khoáng sản có giá trị lớn sản lượng giảm so với năm 2011 như: Quặng sắt đạt 91.056 tấn, giảm 27%, fêrô mangan các loại đạt 26.058 tấn, giảm 46,5%, bằng 62% kế hoạch, gang đúc đạt 6.685 tấn, giảm 58%, bằng 26,7% kế hoạch , sắt sốp đạt  4.693 tấn, đạt 16,8% kế hoạch năm.

Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp đạt 99,6%, so với năm 2011 trong đó: Ngành khai khoáng đạt 49,8%, giảm 50,16% so với năm 2011, công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 111,75%, tăng 11,75% so với năm 2011, sản xuất và phân phối điện, khí đốt đạt 103,61%, tăng 3,6% so với năm 2011;  ngành cung cấp nước, xử lý rác thải đạt 106,76%, tăng 6,7% so với năm 2011.

Giá trị sản xuất công nghiệp ( Giá hiện hành) năm 2012 đạt 2.472tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2011, đạt 86% mục tiêu kế hoạch đề ra. Ngành sản xuất công nghiệp tạo việc làm cho khoảng 10.546 lao động và đóng góp ngân sách được  khoảng 124,144 tỷ đồng.

* Cơ cấu công nghiệp theo thành phần kinh tế:

- Khu vực kinh tế nhà nước: Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 71,021 tỷ đồng, bằng 86% so với năm 2011( giảm 13,5% so với năm 2011); chiếm tỷ trọng 11,6% giá trị toàn ngành. Các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế nhà nước hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, giá trị, sản lượng sản phẩm đạt thấp; nguyên nhân do sức mua thị trường giảm, sản phẩm tiêu thụ chậm, chưa khai thác được công suất máy móc, 1 số cơ sở sản xuất công nghiệp hoạt động cầm chừng như: Công ty CP Khoáng luyện kim Cao Bằng lò gang ngừng sản xuất để di rời từ tháng đầu tháng 6 năm 2012, quặng sắt khai thác tiêu thụ chậm.

- Khu vực kinh tế ngoài nhà nước: Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 538,772 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2011; chiếm tỷ trọng 88% . Các đơn vị vẫn duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh, một  số đơn vị  sản xuất ổn định và có mức tăng trưởng như: Đường kính, tinh quặng chì, tinh quặng kẽm, điện thương phẩm, gạch xây quy chuẩn, thiếc thỏi. Tuy nhiên, vẫn có một số sản phẩm công nghiệp đạt thấp như: fêrô mangan các loại đạt 26.058 tấn, giảm 46,5%, bằng 62% kế hoạch, gang đúc đạt 6.685 tấn, giảm 58%, bằng 26,7% kế hoạch, sắt sốp đạt 4.693 tấn, đạt 16,8% kế hoạch năm. Một số nhà máy vẫn chưa phát huy được năng lực sản xuất, nhất là đối với các nhà máy chế biến khoáng sản như: Công ty CP Khoáng sản và luyện kim Việt Nam, Công ty CP Khoáng sản NIKKO Việt Nam, công ty CP Đầu tư phát triển Miền Núi, công ty CP Mangan Cao Bằng.

- Khu vực đầu tư nước ngoài: Trên địa bàn tỉnh có Công ty CP Than cốc và khoáng sản Việt Trung là doanh nghiệp liên doanh có vốn đầu tư nước ngoài; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 13,310 tỷ đồng, bằng 77,5% so với năm 2011. Do khó khăn về nguồn nguyên liệu than mỡ phải nhập khẩu, chưa đáp ứng nhu cầu cho sản xuất, thị trường tiêu thụ sản phẩm chậm nên hiệu quả sản xuất kinh doanh đạt thấp.

* Cơ cấu công nghiệp theo phân ngành :

 - Ngành Công nghiệp khai thác :

Năm 2012 tình hình hoạt động khai thác khoáng sản đã được củng cố, quản lý chặt chẽ, sản lượng khai thác chủ yếu cung cấp nguồn nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy chế biến; tình trạng khai thác khoáng sản trái phép đã được ngăn chặn, giải toả kịp thời và giao cho địa phương quản lý, đặc biệt là tại các điểm khai thác khoáng sản trái phép. Tuy nhiên, trong năm sản lượng khai thác đạt thấp chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất do ngành công nghiệp khai thác vẫn gặp nhiều khó khăn như: Một số mỏ do khai thác nhiều năm trữ lượng giảm, lượng bóc thải lớn, chi phí tăng do phải đầu tư cải tạo nâng cấp khai thác; địa bàn mỏ chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, chưa có cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xuất đầu tư lớn hiệu quả khai thác chưa cao. Giá trị công nghiệp khai thác đạt khoảng 84,517 tỷ đồng, bằng 99,3% so với năm 2011; các sản phẩm đá xây dựng, cát sỏi,... đã được các thành phần kinh tế tư nhân, HTX khai thác  đảm bảo phục vụ cho nhu cầu xây dựng trên địa bàn tỉnh.

- Ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo:

Đây là ngành phát triển tương đối mạnh, đã khai thác được tiềm năng thế mạnh của tỉnh về khai thác chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng; chế biến nông lâm sản thực phẩm, đã hình thành những vùng nguyên liệu truyền thống của tỉnh, góp phần tăng thu nhập, xoá đói giảm nghèo cho nông dân như: Vùng trồng cây trúc, vùng trồng thuốc lá, vùng trồng mía, khai thác gỗ,.... Các doanh nghiệp đã chủ động khắc phục khó khăn, năng động trong quản lý điều hành để đảm bảo duy trì sản xuất ổn định như: Thường xuyên bảo dưỡng, sửa chửa máy móc thiết bị, cải tiến kỹ thuật nâng cao hiệu quả sử dụng thiết bị công nghệ, ổn định chất lượng sản phẩm; bố trí thời gian sản xuất hợp lý để tiết kiệm chi phí sản xuất; ổn định thị trường truyền thống, tìm kiếm mở rộng thị trường mới. Tuy nhiên, năm qua ngành công nghiệp chế biến cũng gặp nhiều khó khăn như: Nguồn nguyên liệu chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất, thị trường tiêu thụ chậm và giảm giá,... một số nhà máy sản xuất còn phụ thuộc vào thị trường tiêu thụ nên sản lượng đạt thấp, đặc biệt là đối với các nhà máy chế biến khoáng sản  như: Bột Điôxit mangan, gang thỏi, xi măng, fêrômangan, than cốc, sắt xốp, thức ăn gia súc. Giá trị sản xuất công nghiệp chế biến ước đạt 470,387tỷ đồng, tăng 9,4% so với năm 2011. Đã có  sản phẩm tham gia xuất khẩu như sản phẩm chiếu trúc 52.085 tấm giá trị xuất 0,185 triệu USD, fêrômangan 3.500 tấn giá trị xuất khẩu 5,534 triệu USD. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hồng Công.

- Ngành sản xuất và phân phối điện Điện: Năm 2012 ngành sản xuất điện trên địa bàn tỉnh đã cố gắng khắc phục mọi khó khăn, tăng cường bảo dưỡng máy móc thiết bị, khai thác tối đa công suất thiết bị trong mùa nước để phát điện hoà lên lưới; Nhà máy thủy điện Bản Rạ đã đưa vào hoạt động trong năm 2012. Giá trị sản xuất và phân phối điện đạt 33,773 tỷ đồng, tăng 53% so với năm 2011. Tuy nhiên, giá trị tăng của ngành này là tăng sản lượng điện của nhà máy thủy điện Bản Rạ; còn sản lượng điện của các nhà máy điện thuộc Điện lực Cao Bằng ( Giảm 67,8% ), công ty CP Thủy điện và luyện kim ( 1,2% ) đều có sản lượng giảm hơn so với năm 2011.

Tác giả bài viết: Theo BCT

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập