Tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0
Lượt xem: 380

            Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (sau đây viết tắt là CMCN 4.0) đã và đang đến, nó sẽ diễn biến rất nhanh, là sự kết hợp của công nghệ trong các lĩnh vực vật lý, số hóa và sinh học, tạo ra những khả năng hoàn toàn mới và có tác động sâu sắc đối với các hệ thống chính trị, xã hội, kinh tế của thế giới và trong nước.

            CMCN 4.0 phát triển dựa trên 3 trụ cột cơ bản là: Vật lý, kỹ thuật số và công nghệ sinh học.

            1. Trong lĩnh vực công nghệ sinh học

             CMCN 4.0 tập trung nghiên cứu tạo ra những bước phát triển đột phá và nhảy vọt về chất trong y dược (cụ thể là thuốc và các phương pháp chữa bệnh mới), nông nghiệp và thủy sản (làm biến đổi gen, tạo ra giống cây, giống con mới), chế biến thực phẩm (chất lượng cao, sạch và an toàn), tái tạo năng lượng và bảo vệ môi trường...

            2. Trong lĩnh vực vật lý

            CMCN 4.0 tập trung nghiên cứu, chế tạo các loại người máy (robot) thế hệ mới, máy in 3D, các phương tiện tự lái (máy bay, tàu thủy, Ô tô), các loại vật liệu mới (siêu nhẹ, siêu bền, siêu mỏng...), công nghệ nano...

            3. Trong lĩnh vực kỹ thuật số

             CMCN 4.0 tập trung nghiên cứu vào phát minh, sáng tạo, phát triển Trí tuệ nhân tạo (ký hiệu là Al), Dữ liệu lớn (Big Data) và Vạn vật kết nối (internet of Things).

            Al được hiểu như một lĩnh vực của khoa học máy tính gắn trực tiếp với việc tự động hóa các hành vi thông minh. Cụ thể: Al chính là trí tuệ do con người lập trình tạo ra để giúp máy tính có thể tự động hóa các hành vi thông minh như ở bộ não người (trí tuệ nhân tạo tự mình biết suy nghĩ, lập luận, phân tích, so sánh và tổng hợp rút ra các quyết định giải quyết các vấn đề nhanh gọn). Ngoài ra Al còn biết giao tiếp, biết nói, biết học, thích nghi và tự bộc lộ sở thích, ham muốn...

            Dữ liệu lớn (Big Data) được hiểu là tài sản thông tin có khối lượng dữ liệu lớn, phong phú, đa dạng với tốc độ cao, yêu cầu phải có công nghệ mới để xử lý nhanh và hiệu quả nhằm đưa ra được các quyết định kịp thời và hiệu quả.

            Vạn vật kết nối (internet of Things) được hiểu là thế giới vạn vật kết nối internet (hoặc mạng lưới thiết bị kết nối internet), trong đó mỗi vật, mỗi người đều có định dạng riêng và tất cả đều có khả năng trao đổi, truyền tải thông tin, dữ liệu qua một mạng duy nhất (mà không cần sự tương tác trực tiếp giữa người với người hay người với máy tính. Vạn vật kết nối (loT) phát triển dựa trên hội tụ của công nghệ không dây, công nghệ vi cơ điện tử và internet. Tóm lại, đó là một tập hợp các thiết bị có khả năng kết nối với nhau, với internet và với thé giới bên ngoài để thực hiện một nhiệm vụ nhất định.

            Bản chất của CMCN 4.0 là dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất.

            Đối với nước ta, CMCN 4.0 vừa tạo ra điều kiện thuận lợi và thời cơ lớn cho sự phát triển, vừa tạo ra khó khăn, thách thức không nhỏ trong phát triển, cụ thể:

            1. Thuận lợi

            - CMCN 4.0 góp phần thúc đẩy nâng cao năng suất lao động và tăng trưởng kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

            - CMCN 4.0 đưa đến việc nhận thức lại một số giá trị, định hình lại một số ngành công nghiệp, dịch vụ... mở ra những cơ hội mới trong sản xuất kinh doanh, dịch vụ. Từ đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam các cơ hội tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các ngành công nghiệp, dịch vụ mới.

            - CMCN 4.0 làm sâu sắc hơn quá trình toàn cầu hóa và theo đó tác động, thúc đẩy sự biến đổi mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là lĩnh vực kinh tế. Đó cũng là cơ hội để Việt Nam đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, phát triển và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

            - CMCN 4.0 tạo ra điều kiện và cơ hội để mỗi người, mỗi gia đình, mỗi tập thể tổ chức cuộc sống, làm việc, học tập, sinh hoạt, giải trí tốt hơn và ngày càng có chất lượng hơn.

            2. Khó khăn và thách thức

            - Việc chậm trễ trong việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tiếp thu và ứng dụng công nghệ mới của CMCN 4.0, sẽ dẫn đến Việt Nam bị bỏ lỡ các cơ hội mà CMCN 4.0 mang lại, điều này sẽ dẫn đến tụt hậu không chỉ xa hơn về mặt kinh tế mà còn tụt hậu cả về khoa học - công nghệ, tiềm lực an ninh, quốc phòng và chủ quyền số so với các nước phát triển trong khu vực và thế giới.

            - Sự tác động của CMCN 4.0 là khách quan và tất yếu. Vì vậy, trong một không gian và thời gian nhất định, ở trên thế giới và cả Việt Nam sẽ diễn ra tình trạng thất nghiệp ở những mức độ khác nhau, dẫn đến sự gia tăng nghèo khó và nới rộng khoảng cách giàu nghèo.

            - CMCN 4.0 tác động, tạo khó khăn trong việc tuyển dụng nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công việc; có thể tạo ra phá sản một số doanh nghiệp do  không đủ khả năng cạnh tranh được trên thị trường.

            - CMCN 4.0, nhất là sự giao tiếp trên internet đặt ra vấn đề khó khăn trong bảo mật thông cho cá nhân con người và cả hệ thống cộng đồng xã hội; đặc biệt là vấn đề bảo mật kinh tế, chính trị quốc gia.

            Tóm lại, CMCN 4.0 đã và mang đến cho Việt Nam nói chung và tỉnh Cao Bằng nói riêng, những thuận lợi, cơ hội lớn để phát triển và cả những khó khăn, trở ngại không nhỏ trong phát triển.

            Chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng, với Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ và Lãnh đạo tỉnh, tỉnh Cao Bằng sẽ tiếp tục có những phát triển, chuyển biến mạnh mẽ trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng...trong tương lai.

Nông Văn Quảng – Phòng QLCN &KTATMT

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập