VAI TRÒ CỦA CHÍNH QUYỀN CÁC CẤP Ở ĐỊA PHƯƠNG TRONG VIỆC HỖ TRỢ CÁC DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA TRÊN ĐỊA BÀN TRIỂN KHAI THỰC THI HIỆU QUẢ EVFTA
Lượt xem: 118

Trong điều kiện Việt Nam tham gia các FTA thế hệ mới với mức độ mở cửa sâu hơn, phạm vi cam kết rộng hơn như CPTPP, EVFTA thì các doanh nghiệp nhỏ và vừa là những đối tượng rất cần sự hỗ trợ của chính quyền các cấp để có thể tận dụng được cơ hội, hạn chế thách thức mà những Hiệp định này mang lại.

Trong  những  năm gần đây doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) trên địa bàn tỉnh Cao Bằng phát triển cả về số và chất lượng, ngày càng có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 1.580 doanh nghiệp (31/12/2019), tổng số vốn đăng ký là 2.039,007 tỷ đồng, trong đó số doanh nghiệp đang hoạt động là 1.163, tổng số vốn đăng ký là 16.325,521 tỷ đồng. Khu vực DNVVN này đã góp phần tạo công ăn việc làm cho người lao động, khai thác và sử dụng tiềm năng về vốn, tay nghề và những nguồn lực còn tiềm ẩn trong dân cư, phát triển đa dạng các ngành nghề. Tuy nhiên thực tế cho thấy khu vực DNNVV trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn như: vốn, lao động, công nghệ, khả năng quản lý, tiếp cận thị trường, năng lực cạnh tranh kém, hiệu quả sản xuất kinh doanh chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế của tỉnh

Điểm mạnh:  Các DNNVV của tỉnh đã sử dụng được nguồn lực lao động tại địa phương, điều này đã góp phần tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người dân ở địa phương;  một số DNNVV đã sẵn sàng áp dụng công nghệ và kỹ thuật sản xuất mới trong sản xuất,  điều này đã giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh.

Điểm yếu: Quy mô sản xuất nhỏ, năng lực kết nối thị trường cho việc quảng bá và tiêu thụ sản phẩm còn nhiều hạn chế, hầu hết các sản phẩm chưa có nhãn hiệu và thương hiệu đã làm hạn chế trong việc tiêu thụ sản phẩm,...Điều này làm cho sản phẩm của các doanh nghiệp ít được phân phối qua các kênh tiêu thụ hiện đại như siêu thị.  Năng lực quản lý kinh doanh của các doanh nghiệp còn hạn chế, thiếu khả năng phân tích thông tin của thị trường, chưa quan tâm đúng  mức đến hoạt động xúc tiến thương mại.  Hầu hết các DNNVV còn thiếu vốn sản xuất kinh doanh.  Khả năng tiếp cận với các nguồn vốn vay chính thức từ các ngân hàng thương mại của các DNNVV còn hạn chế, bởi do thiếu điều kiện thế chấp và khả năng xây dựng phương án kinh doanh.

Cơ hội do Hiệp định EVFTA mang lại:  Hiệp định EVFTA tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong tỉnh có cơ hội được tiếp cận những thị trường công nghệ thịết bị dây chuyền kỹ thuật cao từ các nước EU, qua đó nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh hàng hóa; thị trường tiêu thụ sản phẩm được mở rộng; môi trường đầu tư mở hơn, triển vọng xuất khẩu hấp dẫn hơn sẽ thu hút được các nhà đầu tư đến từ EU.

Thách thức: Là tỉnh miền núi, biên giới kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh quy mô nhỏ, hạn chế về nguồn lực, hạn chế việc chủ động với hội nhập nên chưa khai thác tốt hiệu quả mà hội nhập đưa lại. Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp trong tiếp cận thị trường và tham gia vào chuỗi cung ứng trong khu vực và toàn cầu.

 

 

Hội nghị trực tuyến “Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) tận dụng cơ hội, thực thi hiệu quả Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA)”tại điểm cầu tỉnh Cao Bằng

 

Với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, xác định doanh nghiệp là động lực phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Cao Bằng coi công tác hỗ trợ doanh nghiệp nói chung và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng là nhiệm vụ trọng tâm, tỉnh luôn áp dụng mức hỗ trợ tối đa cho doanh nghiêp theo quy định khung của Chính phủ.  Để có sự chuẩn bị tốt nhất cho việc thực thi Hiệp định, tỉnh cần xây dựng “Kế hoạch Thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) của tỉnh Cao Bằng  giai đoạn 2020 - 2025”. Qua đó từng sở, ban, ngành, UBND các huyện và Thành phố căn cứ xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể hoặc lồng ghép trong các kế hoạch triển khai các nhiệm vụ kinh tế xã hội của ngành, lĩnh vực và địa phương mình với các nhóm giải pháp cơ bản như sau:

Thứ nhất,  tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định EVFTA và thị trường của các nước EU cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh trong đó tập trung phổ biến những nội dung như: Đặc điểm thị trường các nước trong EVFTA; cơ hội và thách thức khi thực hiện Hiệp định EVFTA; các cam kết chuyên sâu về đầu tư, dịch vụ, hải quan, mua sắm chính phủ, phòng vệ thương mại, sở hữu trí tuệ, nông, lâm, ngư nghiệp, lao động, môi trường; các rào cản phi thuế quan, rào cản kỹ thuật trong Hiệp định EVFTA;…đến cộng đồng doanh nghiệp thông qua các hội nghị, hội thảo, tập huấn và những bài viết trên báo Cao Bằng. Bên cạnh đó cần đổi mới phương thức tuyên truyền qua việc xuất bản sách, cẩm nang về các FTA và thị trường các nước thành viên.

Thứ hai, chú trọng nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa để thực thi hiệu quả Hiệp định EVFTA: tỉnh nghiên cứu ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, chú trọng đến doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, khuyến khích khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo: Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xóa bỏ rào cản, phát triển mạnh doanh nghiệp theo Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ; tiếp tục đẩy mạnh triển khai hiệu quả các kế hoạch, chương trình công tác của tỉnh về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp về thủ tục, hỗ trợ tiếp cận tín dụng, mặt bằng sản xuất kinh doanh, xúc tiến thị trường, đào tạo nguồn nhân lực,…; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng lực, kỹ năng quản trị, điều hành phục vụ sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thứ ba, tích cực rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành trong quá trình thực thi Hiệp định và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo phù hợp với các cam kết trong EVFTA tạo môi trường pháp lý minh bạch cho doanh nghiệp.

Thứ tư, về hoạt động xúc tiến thương mại và thông tin thị trường: Thực hiện tốt công tác định hướng và có chương trình hỗ trợ sản xuất sản phẩm có chất lượng, sẵn sàng tham gia vào thị trường; Chỉ đạo hoạt động xúc tiến thương mại mang tính liên kết vùng, miền nhằm quảng bá và phát triển thị trường cho sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu; xây dựng kế hoạch xúc tiến thương mại nhằm phát huy tối đa các nguồn lực thực hiện hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại.

 Đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại theo hướng tăng cường các hoạt động xây dựng thương hiệu, vốn là yếu tố quan trọng nhất đến thị hiếu của người tiêu dùng EU và ứng dụng xúc tiến thương mại trực tuyến, là hình thức mới hiện nay; hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các sự kiện XTTM, kết nối giao thương ngay khi tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 được kiểm soát thành công tại các nước.

Thứ năm, về chủ trương và chính sách đối với tổ chức công đoàn và các tổ chức của người lao động tại cơ sở doanh nghiệp. Những cam kết về lao động, công đoàn trong EVFTA hay CPTPP là một trong những cam kết mới so với những FTA trước đây Việt Nam từng tham gia, do đó vấn đề đặt ra đối với các cấp chính quyền của tỉnh là: Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách về các quan hệ lao động, tiêu chuẩn lao động phù hợp với các tiêu chuẩn, cam kết, công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia; Tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ cơ quan quản lý nhà nước về lao động, người làm công tác nhân sự tại doanh nghiệp; tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về lao động nhằm xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa trong doanh nghiệp; Hỗ trợ thúc đẩy các hoạt động đối thoại, thương lượng tại doanh nghiệp, các thiết chế hòa giải, trọng tài lao động.

Đề xuất và kiến nghị đối với Bộ Công Thương

1. Sớm ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai, thực thi khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực để giúp các doanh nghiệp nắm bắt thông tin và xây dựng kế hoạch xúc tiến xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU.

2. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và tập huấn chuyên sâu về Hiệp định EVFTA giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ nắm bắt thông tin và tận dụng hiệu quả các ưu đãi từ Hiệp định.

3. Tăng cường công tác thông tin về các thị trường xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là thị trường liên minh EU; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến xuất khẩu, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa xuất khẩu hàng hóa vào thị trường EU.

                                                                   ĐTL-QLTM&XNK

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập