Bộ Tài chính điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi mặt hàng khí dầu mỏ và các loại khí hydrocarbon
Lượt xem: 83
Ngày 02 tháng 3 năm 2012, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 37/2012/TT-BTC về việc hướng dẫn thực hiện mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng thuộc nhóm 2711 tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi.
Theo đó, thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng khí dầu mỏ và các loại khí hydrocacbon khác thuộc nhóm 2711 tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo danh mục mặt hàng chịu thuế tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư số 157/2011/TT-BTC ngày 14/11/2011 của Bộ Tài chính sẽ được điều chỉnh giảm còn 0% (bao gồm các mặt hàng dạng lỏng và khí: khí tự nhiên; propan; butan; etylen; propylen; butylen; butadien…).

Trước đó, tại Thông tư số 157/2011/TT-BTC ngày 14/11/2011 của Bộ Tài chính quy định mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi các mặt hàng trên là 5%.

Chi tiết Thông tư số 37/2012/TT-BTC có thể xem tại mục Văn bản pháp quy.

Doanh nghiệp đầu mối chịu trách nhiệm kiểm soát hệ thống đại lý gas và xăng dầu

Trong 2 ngày 16 và 17/2/2012, Bộ Công Thương chủ trì cuộc họp với các doanh nghiệp (DN) đầu mối kinh doanh xăng dầu và một số DN gas về tăng cường quản lý, giám sát chất lượng xăng dầu và kiểm soát chất lượng, giá cả mặt hàng gas.

Theo Bộ Công Thương, thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xử lý 237 vụ vi phạm trong kinh doanh xăng dầu, số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 1.685.820.000 đồng, tước quyền sử dụng “Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu” của 13 cửa hàng kinh doanh xăng dầu vi phạm.

Để tăng cường công tác quản lý chất lượng xăng dầu trong thời gian tới, lãnh đạo Bộ Công Thương đã yêu cầu triển khai một số biện pháp:

Về phía cơ quan Bộ Công Thương: Giao cho Cục Quản lý thị trường phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nhằm phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đặc biệt là vi phạm về chất lượng xăng dầu, điều kiện kinh doanh xăng dầu, quy định về đại lý kinh doanh xăng dầu (tổng đại lý chỉ được ký hợp đồng làm tổng đại lý cho một DN đầu mối; đại lý chỉ được ký hợp đồng làm đại lý bán lẻ xăng dầu cho một tổng đại lý hoặc một DN đầu mối).

Giao cho Vụ thị trường trong nước làm đơn vị đầu mối tiếp thu ý kiến, rà soát lại các quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, Thông tư số 36/2009/TT-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành quy chế đại lý kinh doanh xăng dầu để tăng cường trách nhiệm về quản lý chất lượng xăng dầu của DN đầu mối, tổng đại lý, đại lý và cửa hàng bán lẻ xăng dầu; làm đầu mối phối hợp với Bộ Tài chính rà soát để sửa đổi và kiến nghị sửa đổi các quy định của pháp luật có liên quan đến kinh doanh xăng dầu (giá, chi phí lưu thông, hoa hồng đại lý…) phù hợp với tình hình thực tế.

Các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Công Thương có trách nhiệm phối hợp rà soát chính sách, pháp luật về quản lý từ nhập khẩu đến sản xuất, lưu thông các hóa chất là phụ gia, dung môi hòa tan vào xăng dầu nhằm hạn chế tối đa việc gian lận thương mại làm ảnh hưởng đến chất lượng xăng dầu lưu thông trên thị trường.

Thông cáo của Bộ Công Thương cũng nêu rõ, các DN đầu mối phải chịu trách nhiệm về chất lượng xăng dầu trong toàn bộ hệ thống phân phối của mình (từ khâu nhập khẩu, tồn trữ, vận chuyển đến cửa hàng bán lẻ). Rà soát, hoàn thiện các quy trình kiểm soát chất lượng từng khâu. Tăng cường kiểm tra, giám sát các khâu, nhất là vận chuyển từ tổng kho của các DN đầu mối về tổng đại lý, đại lý và từ tổng đại lý đến các cửa hàng bán lẻ.

Các DN đầu mối cần chủ động hợp tác, cung cấp thông tin cho báo chí và người tiêu dùng về tình hình kiểm tra, kiểm soát chất lượng xăng dầu trong hệ thống của mình…

Đối với mặt hàng gas, Bộ Công Thương đề nghị Hiệp hội Gas Việt Nam tiếp tục phát huy và làm tốt vai trò của mình, đặc biệt trong việc phối hợp với các cơ quan chức năng của Nhà nước để thực thi có hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật về kinh doanh gas nhằm lập lại trật tự thị trường gas, đáp ứng quyền lợi của người tiêu dùng, cơ sở kinh doanh gas chân chính.

Hiệp hội và các DN tự bản thân mình phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin tới người tiêu dùng về sử dụng gas an toàn; kịp thời thông tin cho lực lượng quản lý thị trường và các cơ quan chức năng về hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh gas.

Bộ Công Thương đề nghị, các DN kinh doanh gas thực hiện nghiêm Chỉ thị 04/CT-TTg ngày 20/1/2012 của Thủ tướng chính phủ về tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm pháp luật trong kinh doanh xăng dầu, khí mỏ hóa lỏng; đồng thời làm tốt công tác đăng ký giá, niêm yết và các quy định liên quan trong hệ thống phân phối của mình, bao gồm cả các cơ sở đại lý, bảo đảm thực hiện đúng các quy định pháp luật về đại lý.
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập