Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4 năm 2016
Lượt xem: 82
Bắt đầu từ tháng 4/2016, nhiều quy định, chính sách liên quan đến ngành Công Thương sẽ có hiệu lực thi hành như: Hướng dẫn khai thuế giá trị gia tăng và ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp trong lĩnh vực phát triển công nghiệp hỗ trợ; Bổ sung một số mặt hàng vào Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi; Quy định điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ thuộc trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ Công Thương, v.v...

Hướng dẫn khai thuế giá trị gia tăng và ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp trong lĩnh vực phát triển công nghiệp hỗ trợ

Từ ngày 01/4/2016, Thông tư 21/2016/TT-BTC (Thông tư 21) của Bộ Tài chính hướng dẫn về khai thuế giá trị gia tăng và ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 03/11/2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ bắt đầu có hiệu lực.

Theo đó, người nộp thuế thực hiện khai thuế giá trị gia tăng (GTGT) theo quý đối với Doanh thu của sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển (không phân biệt có doanh thu trên hay dưới 50 tỷ đồng/năm). Trường hợp người nộp thuế vừa có doanh thu của sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển và có doanh thu từ các hoạt động sản xuất kinh doanh khác thì người nộp thuế cũng thực hiện khai thuế GTGT theo quý. Trường hợp không thực hiện khai theo quý, người nộp thuế có thể lựa chọn khai thuế giá trị gia tăng theo tháng và thông báo với cơ quan thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Hồ sơ khai thuế đối với người nộp thuế là tổ chức thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 6/11/2013, Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/2/2015 của Bộ Tài chính. Hồ sơ khai thuế đối với người nộp thuế là cá nhân thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của Bộ Tài chính.

Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp được áp dụng đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ từ ngày 01 tháng 01 năm 2015 đáp ứng các Điều kiện quy định tại Luật số 71/2014/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành, được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy xác nhận ưu đãi sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (gọi tắt là Giấy xác nhận ưu đãi).

Trình tự, thủ tục xác nhận ưu đãi và hậu kiểm ưu đãi đối với dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển thực hiện theo quy định tại Thông tư số 55/2015/TT-BCT ngày 30/12/2015 của Bộ Công Thương. Giấy xác nhận ưu đãi sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển là cơ sở để áp dụng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp. Về mức ưu đãi, thời Điểm bắt đầu áp dụng ưu đãi, việc chuyển tiếp ưu đãi thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.

Bổ sung một số mặt hàng vào Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi

Kể từ ngày 08 tháng 04 năm 2016, Thông tư số 31/2016/TT-BTC (Thông tư 31) của Bộ Tài chính về việc bổ sung mặt hàng Dung môi N-Hexan dùng trong sản xuất khô dầu đậu tương và dầu thực vật, cám gạo trích ly và dầu cám vào Chương 98 của Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi có hiệu lực thi hành.

Theo đó, Thông tư 31 bổ sung khoản 1.39 vào điểm 1 Chú giải Chương thuộc Mục I - Chú giải và điều kiện áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi riêng tại Chương 98 như sau: “1.39. Nhóm 98.42: Dung môi N-Hexan dùng trong sản xuất khô dầu đậu tương và dầu thực vật, cám gạo trích ly và dầu cám”. Bổ sung điểm b.10 vào khoản 3 Mục I về điều kiện và thủ tục nhập khẩu để được áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi riêng của mã hàng 9842.00.00 ghi tại Chương 98 như sau: “b.10) Hàng hóa nhập khẩu thuộc nhóm 98.42. b.10.1) Điều kiện áp dụng: Hàng hóa nhập khẩu là mặt hàng Dung môi N-Hexan dùng trong sản xuất khô dầu đậu tương và dầu thực vật, cám gạo trích ly và dầu cám; Do các doanh nghiệp sản xuất khô dầu đậu tương và dầu thực vật, cám gạo trích ly và dầu cám nhập khẩu. b.10.2) Thủ tục nhập khẩu: b.10.2.1 - Trách nhiệm của người khai hải quan: Người khai hải quan phải đăng ký danh mục hàng hóa nhập khẩu thuộc nhóm 98.42 (Danh mục) với Chi cục hải quan nơi thuận tiện nhất với số lượng nhập khẩu hàng năm phù hợp với quy mô công suất/nhu cầu sử dụng để sản xuất hàng năm của nhà máy trước khi nhập khẩu lô hàng đầu tiên. Hồ sơ đề nghị cơ quan hải quan nơi cấp Danh mục gồm: Công văn đề nghị cấp danh mục; Danh mục hàng hóa và Phiếu theo dõi trừ lùi. Công văn đề nghị cấp Danh mục, Danh mục hàng hóa và Phiếu theo dõi trừ lùi thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 104 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, trong đó thay từ “miễn thuế” thành “dùng trong sản xuất khô dầu đậu tương và dầu thực vật, cám gạo trích ly và dầu cám”.

Quy định việc mua sắm tài sản Nhà nước theo phương thức tập trung

Từ ngày 10/4/2016, Quyết định số 08/2016/QĐ-TTg (Quyết định 08) của Thủ tướng Chính phủ về quy định việc mua sắm tài sản Nhà nước theo phương thức tập trung có hiệu lực thi hành.

Quyết định 08 quy định kinh phí được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao trong dự toán ngân sách hàng năm của cơ quan, tổ chức, đơn vị; Nguồn công trái quốc gia, trái phiếu Chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương; Nguồn vốn thuộc các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA; nguồn viện trợ, tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thuộc nguồn ngân sách Nhà nước mà nhà tài trợ không có yêu cầu mua sắm khác với quy định tại Quyết định này; Nguồn kinh phí từ quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên; nguồn kinh phí từ Quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách.

Việc mua sắm tập trung được thực hiện theo cách thức ký thỏa thuận khung, trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 4 của Quyết định này. Mua sắm tập trung theo cách thức ký hợp đồng trực tiếp được áp dụng trong các trường hợp sau đây: Mua tài sản thuộc các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, nguồn viện trợ, tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thuộc nguồn ngân sách Nhà nước mà nhà tài trợ có yêu cầu áp dụng theo cách thức ký hợp đồng trực tiếp, v.v...

Tài sản được đưa vào danh mục mua sắm tập trung phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 71 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu. Căn cứ kết quả mua sắm tập trung, yêu cầu thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước, năng lực của các đơn vị mua sắm tập trung, điều kiện phát triển của thị trường cung cấp tài sản và điều kiện quy định trong Quyết định 08. Bộ Tài chính, Bộ Y tế, các Bộ, cơ quan Trung ương và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành danh mục tài sản mua sắm tập trung như sau: Bộ Tài chính công bố danh mục tài sản mua sắm tập trung cấp quốc gia (trừ thuốc);  Bộ Y tế công bố danh mục thuốc mua sắm tập trung (bao gồm danh mục mua sắm tập trung cấp quốc gia và danh mục mua sắm tập trung cấp địa phương); Các Bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành danh mục tài sản mua sắm tập trung cấp Bộ, cơ quan trung ương, địa phương (trừ thuốc).

Danh mục tài sản mua sắm tập trung cấp quốc gia áp dụng cho tất cả các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương; Danh mục tài sản mua sắm tập trung cấp Bộ, cơ quan trung ương, địa phương áp dụng cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của Bộ, cơ quan trung ương và địa phương; riêng danh mục thuốc mua sắm tập trung cấp địa phương áp dụng cho các cơ sở y tế của trung ương và địa phương đóng trên địa bàn địa phương; Tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung cấp Bộ, cơ quan trung ương, địa phương không được trùng lắp với danh mục tài sản mua sắm tập trung quốc gia do Bộ Tài chính và Bộ Y tế ban hành và công bố.

Quy định về thuế đối với các tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí theo quy định của Luật Dầu khí

Từ ngày 12/04/2016, Thông tư số 36/2016/TT-BTC (Thông tư 36) của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện quy định về thuế đối với các tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí theo quy định của Luật Dầu khí bắt đầu có hiệu lực thi hành.

Theo đó, người nộp thuế ủy quyền cho người điều hành, doanh nghiệp liên doanh, công ty điều hành chung thực hiện khai thuế và người nộp thuế tự thực hiện nộp các khoản thuế phát sinh theo quy định; hoặc Người nộp thuế ủy quyền cho người điều hành, doanh nghiệp liên doanh, công ty điều hành chung thực hiện khai, nộp các khoản thuế phát sinh theo quy định. Trường hợp hợp đồng dầu khí có thoả thuận Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thay mặt các nhà thầu nộp các loại thuế thì Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ủy quyền cho người điều hành, doanh nghiệp liên doanh, công ty điều hành chung thực hiện khai thuế và Tập đoàn tự thực hiện nộp các khoản thuế phát sinh theo quy định; hoặc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ủy quyền cho người điều hành, doanh nghiệp liên doanh, công ty điều hành chung thực hiện khai, nộp các khoản thuế phát sinh theo quy định. Người nộp thuế đối với hoạt động chuyển nhượng quyền lợi tham gia hợp đồng dầu khí thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 23 Mục 4 Chương II Thông tư 36.

Thông tư 36 cũng quy định cụ thể đồng tiền khai, nộp các loại thuế hướng dẫn tại Thông tư này gồm thuế tài nguyên, thuế xuất khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế chuyển nhượng quyền lợi tham gia hợp đồng dầu khí là đô la Mỹ. Trường hợp dầu thô, khí thiên nhiên được bán tại thị trường Việt Nam, giá bán được xác định trên cơ sở đô la Mỹ thì đồng tiền nộp thuế là đồng Việt Nam. Việc quy đổi từ đô la Mỹ sang đồng Việt Nam để tính thuế, nộp thuế được thực hiện theo tỷ giá mua vào theo hình thức chuyển khoản của Hội sở chính Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam tại thời điểm lập hóa đơn. Trường hợp dầu thô, khí thiên nhiên được bán và thu bằng đô la Mỹ nhưng người nộp thuế nộp thuế bằng đồng Việt Nam theo quy định của Chính phủ thì đồng tiền nộp thuế là đồng Việt Nam. Việc quy đổi từ đô la Mỹ sang đồng Việt Nam để thanh toán cho khoản nghĩa vụ phải nộp bằng ngoại tệ được thực hiện theo quy định tại Luật Quản lý thuế, Luật sửa đổi, bổ sung và các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành.

Địa điểm đăng ký thuế, khai, nộp thuế (trừ thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu) là Cục Thuế địa phương nơi người điều hành, doanh nghiệp liên doanh, công ty điều hành chung đặt trụ sở, văn phòng điều hành chính. Đối với các hợp đồng dầu khí đã tiến hành khai thác trước khi ban hành Thông tư này, địa điểm khai, nộp thuế thực hiện theo các hướng dẫn trước khi Thông tư này có hiệu lực thi hành.

Quy định điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ thuộc trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ Công Thương

Từ ngày 15/04/2016, Thông tư số 57/2015/TT-BCT (Thông tư 57) của Bộ Công Thương về việc quy định điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ thuộc trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ Công Thương bắt đầu có hiệu lực.

Thông tư 57 quy định chủ cơ sở và người trực tiếp tham gia sản xuất phải có Giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm (còn hiệu lực) do cơ quan có thẩm quyền cấp. Chủ cơ sở có trách nhiệm tổ chức khám sức khỏe cho chủ cơ sở và những người tham gia trực tiếp sản xuất của cơ sở định kỳ ít nhất 01 (một) lần/ năm tại cơ sở y tế cấp quận/huyện trở lên. Hồ sơ khám sức khoẻ của chủ cơ sở và người trực tiếp tham gia sản xuất của cơ sở phải được lưu trữ đầy đủ tại cơ sở sản xuất. Chủ cơ sở và người sản xuất trực tiếp tại cơ sở phải có Giấy xác nhận đủ sức khỏe để sản xuất thực phẩm do cơ sở y tế cấp quận/huyện trở lên cấp.

Khu vực sản xuất thực phẩm phải được bố trí tại địa điểm không bị ngập nước, đọng nước, ô nhiễm bụi, hóa chất độc hại, không bị ảnh hưởng bởi động vật, côn trùng, vi sinh vật gây hại và có khoảng cách an toàn với các nguồn gây ô nhiễm khác. Các công đoạn sản xuất sản phẩm thực phẩm phải được bố trí theo nguyên tắc và quy trình chế biến một chiều từ nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm cuối cùng. Nền nhà khu vực sản xuất phải bằng phẳng, thoát nước tốt, không gây trơn trượt, không đọng nước và dễ làm vệ sinh; trần nhà không bị dột, thấm nước, rêu mốc và đọng nước.

Nguyên liệu sử dụng để sản xuất, chế biến thực phẩm phải bảo đảm: Có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Lưu giữ thông tin liên quan đến việc mua bán bảo đảm truy xuất được nguồn gốc; Được bảo quản phù hợp với điều kiện, tiêu chuẩn và hướng dẫn bảo quản của nhà cung cấp; Không được để chung với hàng hóa, hóa chất và những vật dụng khác có khả năng lây nhiễm chéo hoặc không bảo đảm an toàn thực phẩm. Phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm sử dụng cho thực phẩm phải thuộc danh mục được phép sử dụng theo quy định của Bộ Y tế; Cơ sở phải có đủ nước sạch để sản xuất, chế biến thực phẩm phù hợp với QCVN 01:2009/BYT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống, v.v...

Quy định lãi suất cho vay của Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa

Từ ngày 15/4/2016, Thông tư số 37/2016/TT-BTC quy định lãi suất cho vay của Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa có hiệu lực. Thông tư này được ban hành vào ngày 29 tháng 02 năm 2016.

Theo đó, lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam của Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa được thành lập theo Quyết định 601/QĐ-TTg ngày 17/4/2013 được quy định như sau: Lãi suất cho vay vốn ngắn hạn với thời gian vay vốn dưới 01 năm (không bao gồm vốn lưu động) là 5,5%/năm; Lãi suất cho vay vốn trung và dài hạn là 7,0%/năm.

Các mức lãi suất trên được áp dụng đối với các khoản giải ngân vốn vay cho doanh nghiệp nhỏ và vừa kể từ ngày Thông tư 37/2016/TT-BTC có hiệu lực.

Hội đồng quản lý, Giám đốc Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, chủ đầu tư các dự án, phương án sản xuất kinh doanh vay vốn của Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quy định tại Thông tư này.

Quản lý ngoại hối đối với việc vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp

Kể từ ngày 15/4/2016, Thông tư số 03/2016/TT-NHNN (Thông tư 03) về việc hướng dẫn một số nội dung về quản lý ngoại hối đối với việc vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp có hiệu lực thi hành.

Thông tư 03 quy định về thủ tục đăng ký, đăng ký thay đổi Khoản vay nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh; Việc mở và sử dụng tài Khoản vay, trả nợ nước ngoài tại tổ chức tín dụng được phép tại Việt Nam; Việc rút vốn, trả nợ và chuyển tiền khác liên quan đến thực hiện các Khoản vay nước ngoài; Quản lý ngoại hối đối với các giao dịch liên quan đến bảo lãnh Khoản vay nước ngoài; Việc cung cấp, sử dụng và quản lý thông tin trên Trang điện tử quản lý vay, trả nợ nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh (sau đây gọi là Trang điện tử), v.v...

Việc đăng ký, đăng ký thay đổi, chế độ báo cáo đối với các Khoản vay nước ngoài của ngân hàng thương mại mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn Điều lệ, Khoản vay nước ngoài dưới hình thức phát hành trái phiếu quốc tế của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh thực hiện theo quy định riêng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi là Ngân hàng Nhà nước). Việc đăng ký, đăng ký thay đổi, chế độ báo cáo đối với các Khoản vay nước ngoài (bao gồm cả Khoản vay nước ngoài dưới hình thức phát hành trái phiếu quốc tế của doanh nghiệp) được Chính phủ bảo lãnh thực hiện theo quy định riêng của Ngân hàng Nhà nước.

Đối quản lý các Khoản vay nước ngoài dưới hình thức nhập khẩu hàng hóa trả chậm, các Khoản vay tự vay tự trả dưới hình thức nhập khẩu hàng hóa trả chậm không thuộc đối tượng phải đăng ký, đăng ký thay đổi Khoản vay nước ngoài theo quy định tại Chương III Thông tư này; Việc mở và sử dụng tài Khoản vay, trả nợ nước ngoài, chuyển tiền trả nợ Khoản vay nước ngoài và báo cáo tình hình thực hiện Khoản vay nước ngoài dưới hình thức nhập khẩu hàng hóa trả chậm thực hiện theo các quy định tại Thông tư này và các quy định của pháp luật có liên quan.

Đối với nguyên tắc lựa chọn hình thức khai báo thông tin đăng ký, đăng ký thay đổi Khoản vay và báo cáo tình hình thực hiện Khoản vay tự vay tự trả, bên đi vay có thể lựa chọn thực hiện khai báo thông tin đăng ký, đăng ký thay đổi Khoản vay và báo cáo tình hình thực hiện Khoản vay tự vay tự trả theo một trong các hình thức sau: Hình thức sử dụng Trang điện tử, được gọi là hình thức trực tuyến; Hình thức không sử dụng Trang điện tử, được gọi là hình thức truyền thống. Bên đi vay có thể thay đổi việc lựa chọn từ hình thức truyền thống sang hình thức trực tuyến. Trường hợp đã thay đổi từ hình thức truyền thống sang hình thức trực tuyến, Bên đi vay không được thay đổi lại sang hình thức truyền thống. Ngân hàng Nhà nước khuyến khích Bên đi vay lựa chọn hình thức trực tuyến.

Nguồn tin: Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập