Cục Xuất nhập khẩu hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện Thông tư số 05/2013/TT-BCT về hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất một số loại hàng hóa
Lượt xem: 85
Ngày 18/02/2013, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 05/2013/TT-BCT quy định về hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất một số loại hàng hóa, có hiệu lực kể từ ngày 04/4/2013. Như vậy, kể từ ngày này, doanh nghiệp khi kinh doanh tạm nhập tái xuất một số loại hàng hóa phải thực hiện theo các quy định của Thông tư số 05/2013/TT-BCT thay cho quy định tại các Thông tư số 33/2010/TT-BCT, 21/2011/TT-BCT và Quyết định số 5737/QĐ-BCT của Bộ Công Thương ban hành trước đây.
Ngày 22/3/2013, Cục Xuất nhập khẩu đã ban hành công văn số 66/XNK-TMQT nhằm hướng dẫn doanh nghiệp một số nội dung chính quy định tại Thông tư số 05/2013/TT-BCT để doanh nghiệp biết và thực hiện. Công văn số 66/XNK-TMQT có những nội dung chính như sau:

Quy định về hàng hóa

Thông tư số 05/2013/TT-BCT áp dụng đối với 3 nhóm hàng:

- Hàng hóa thực phẩm đông lạnh không thuộc Danh mục tạm ngừng kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu và gửi kho ngoại quan (dưới đây viết tắt là hàng thực phẩm đông lạnh).
- Hàng có thuế tiêu thụ đặc biệt (rượu, bia, thuốc lá điếu, xì gà).

- Hàng hóa đã qua sử dụng thuộc Danh mục cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu theo quy định tại Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 2006 của Chính phủ nhưng không thuộc Danh mục tạm ngừng kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu và gửi kho ngoại quan (dưới đây viết tắt là hàng đã qua sử dụng).

Quy định về điều kiện kinh doanh

Chỉ có doanh nghiệp được Bộ Công Thương cấp Giấy chứng nhận mã số mới được kinh doanh tạm nhập tái xuất 3 nhóm hàng nêu trên. Kinh doanh nhóm hàng nào thì phải có mã số riêng của nhóm hàng đó. Điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận mã số kinh doanh tạm nhập tái xuất đối với từng nhóm hàng quy định như sau:

- Được thành lập tối thiểu là hai năm và đã có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa hoặc tạm nhập tái xuất hàng hóa.

- Phải ký quỹ đặt cọc một khoản tiền là năm tỷ đồng để xử lý môi trường và tiêu hủy hàng tồn đọng không tái xuất được, hàng tạm nhập không đúng với khai báo thuộc diện bị xử lý tiêu hủy.

- Phải có kho, bãi phục vụ việc kinh doanh tạm nhập tái xuất (chỉ áp dụng đối với hàng thực phẩm đông lạnh).

Hồ sơ và thủ tục cấp Giấy chứng nhận mã số đã được Bộ Công Thương hướng dẫn chi tiết tại Thông tư.

Quy định về thủ tục tạm nhập tái xuất và cửa khẩu tái xuất

- Doanh nghiệp có Giấy chứng nhận mã số hàng thực phẩm đông lạnh, hàng có thuế tiêu thụ đặc biệt được làm thủ tục tạm nhập tái xuất tại cơ quan hải quan theo quy định, không phải xin phép Bộ Công Thương.

Khi có hiện tượng hàng hóa ách tắc tại cảng, cửa khẩu và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, Bộ Công Thương sẽ áp dụng việc cấp giấy phép tạm nhập tái xuất đối với hàng thực phẩm đông lạnh. Trong trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương có văn bản yêu cầu thương nhân tạm ngừng đưa hàng về Việt Nam.

Cửa khẩu tái xuất đối với hai nhóm hàng trên được quy định như sau:

+ Hàng thực phẩm đông lạnh: được tái xuất qua cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính và cửa khẩu, điểm thông quan trong khu kinh tế cửa khẩu được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập đã có đủ các cơ quan kiểm soát chuyên ngành theo quy định.

+ Hàng có thuế tiêu thụ đặc biệt: được tái xuất qua cửa khẩu quốc tế và cửa khẩu, điểm thông quan thuộc khu kinh tế cửa khẩu được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập đã có đủ các cơ quan kiểm soát chuyên ngành theo quy định.

- Doanh nghiệp có Giấy chứng nhận mã số hàng đã qua sử dụng khi tạm nhập tái xuất cần phải có giấy phép của Bộ Công Thương. Hồ sơ và thủ tục cấp giấy phép đã được Bộ Công Thương hướng dẫn chi tiết tại Thông tư. Hàng đã qua sử dụng chỉ được tái xuất qua cửa khẩu quốc tế.

Một số quy định khác

Ngoài ra, Thông tư số 05/2013/TT-BCT cũng đưa ra một số quy định khác đối với thương nhân khi kinh doanh tạm nhập tái xuất, cụ thể:

- Vận đơn đường biển đích danh, không được chuyển nhượng và phải ghi trên vận đơn số mã số, số giấy phép (nếu có).

- Thời gian hàng hóa được lưu tại Việt Nam không quá 45 ngày, gia hạn một lần không quá 15 ngày. Quá thời hạn nêu trên, phải tái xuất ra khỏi Việt Nam trong vòng 15 ngày qua cửa khẩu tạm nhập.

- Không chia nhỏ công-ten-nơ trong suốt quá trình vận chuyển hàng hóa từ cửa khẩu tạm nhập đến khu vực chịu sự giám sát của cơ quan hải quan, địa điểm tái xuất thuộc cửa khẩu, điểm thông quan theo quy định, v.v...

Hiện nay, Thông tư số 05/2013/TT-BCT đang được đăng tải trên trang web của Bộ Công Thương tại địa chỉ http://www.moit.gov.vn. Mọi thắc mắc xin liên hệ:

Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương (Số 54 Hai Bà Trưng, Hà Nội)

Điện thoại: (04) 2220 5438

Fax: (04) 3826 4696

Email: linhntm@moit.gov.vn
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập