Quy định về tổ chức và hoạt động của thanh tra ngành Công Thương
Lượt xem: 88
Từ ngày 01/02/2016, Nghị định số 127/2015/NĐ-CP  về tổ chức và hoạt động của thanh tra ngành Công Thương bắt đầu có hiệu lực thi hành.
Theo đó, cơ quan thực hiện chức năng thanh tra ngành Công Thương gồm cơ quan thanh tra nhà nước, các cơ quan thanh tra được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

Cụ thể, cơ quan thanh tra nhà nước bao gồm: Thanh tra Bộ Công Thương (Thanh tra Bộ); Thanh tra Sở Công Thương (Thanh tra Sở).

Các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành gồm: Tổng cục Năng lượng; Cục Quản lý thị trường; Cục Hóa chất; Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp; Cục Điều tiết điện lực; Cục Xúc tiến thương mại; Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin; Cục Quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Công Thương (Tổng cục và Cục); Chi cục Quản lý thị trường thuộc Sở Công Thương (Chi cục).

Trong đó, thanh tra Bộ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 18 Luật Thanh tra và Điều 7 Nghị định 86/2011/NĐ-CP ngày 22/9/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra và các nhiệm vụ quyền hạn: Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo, biện pháp xử lý tố cáo của Bộ trưởng và Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Công Thương; chủ trì Đoàn thanh tra liên ngành hoặc tham gia các Đoàn thanh tra liên ngành do Bộ, ngành thành lập; thường trực tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật.

Thanh tra Sở thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 24 Luật Thanh tra và Điều 13 Nghị định số 86/2011/NĐ-CP ngày 22/9/2011 và các nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể: Hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị thuộc Sở Công Thương thực hiện các quy định của pháp luật về thanh tra; giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng; hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra các cơ quan, đơn vị thuộc Sở Công Thương thực hiện quy định của pháp luật về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng.

 Tổng cục, Cục được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 10 Nghị định số 07/2012/NĐ-CP ngày 9/2/2012 của Chính phủ quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành và các nhiệm vụ quyền hạn cụ thể: Thanh tra việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, quy định về chuyên môn - kỹ thuật, quy tắc quản lý ngành, lĩnh vực do Bộ trưởng giao; thanh tra những vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi được Bộ trưởng và Chánh Thanh tra Bộ giao; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra của mình.

 Chi cục được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 10 Nghị định số 07/2012/NĐ-CP và các nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể: Thanh tra việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, quy định về chuyên môn - kỹ thuật, quy tắc quản lý ngành, lĩnh vực do Giám đốc Sở giao; thanh tra những vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật và những vụ việc khác khi được Giám đốc Sở giao; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra của mình.
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập