Lịch sử hình thành và phát triển ngành Công Thương Cao Bằng

Ngày 14 tháng 5 năm 1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 21SL đổi tên Bộ Kinh tế thành Bộ Công Thương. Ngày 02 tháng 10 năm 2008 Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 1418/QĐ-TTg lấy ngày 14 tháng 5 là “ Ngày truyền thống của ngành Công Thương Việt Nam”. Như vậy đến nay, ngành Công Thương Việt Nam đã trải qua 70 năm hình thành và phát triển.    

        Cùng với cả nước Ty Công Thương Cao Bằng được thành lập. Đến năm 1955 tách ra thành ty Công Nghiệp - TTCN và Ty Thương nghiệp. Năm 2008 hợp nhất Sở Công nghiệp và Sở Thương mại và du lịch thành Sở Công Thương Cao Bằng. Qua suốt 70 năm phấn đấu liên tục đã trải qua nhiều chặng đường gian nan, thử thách, các thế hệ cán bộ công nhân viên chức và lao động ngành Công Thương Cao Bằng đã luôn hoàn thành mọi nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng thống nhất đất nước và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc chống giặc ngoại xâm  ngay từ những ngày đầu kháng chiến, Cao Băng đã có cơ sở binh công xưởng Lũng Hoàng có nhiệm vụ sản xuất các loại vũ khí thông dụng như chế tạo dao găm, súng kíp, lựu đạn,...phục vụ cho cán bộ tự vệ. Đây là cơ sở Công nghiệp đầu tiên của cách mạng ở Cao Bằng, sau đó được đổi tên thành Xưởng Lê Tổ và được Trung ương giao nhiệm vụ mở rộng phát triển sản xuất chế tạo, sửa chữa vũ khí phục vụ chiến đấu; với những thành tích đã đạt được năm 1950 Xưởng Lê Tổ đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba. Sau ngày Cao Bằng được giải phóng (03/10/1950) nhiều cơ sở nhà máy được khôi phục và thành lập để sản xuất các mặt hàng thiết yếu cung cấp cho tiền tuyến và phục vụ nhu cầu sản xuất và đời sống nhân dân địa phương như: Nhà máy In Việt Lập phục vụ in báo tuyên truyền và Tờ Báo Việt Nam độc lập được in tại nhà máy; thành lập mới được các cơ sở sản xuất như Xưởng giấy Tân An ( Thị xã ), Xưởng dệt Cô Ngân ( Hoà An ), nhà máy điện Thị xã, ...Sau thực dân pháp rút chạy, Mỏ thiêc Tĩnh Túc được tiếp quản và xây dựng lại với sự trợ giúp của các Chuyên gia Liên Xô, cùng trên 4.000 công nhân trên khắp mọi miền Tổ quốc đến chung tay xây dựng, ngày 06/10/1956 Mỏ thiếc được xây dựng hoàn thành và đưa vào hoạt động sản xuất, sản lượng thiếc thỏi hàng năm tăng dần. Mỏ thiếc Tỉnh Túc được vinh dự là con chim đầu đàn của ngành công nghiệp khai khoáng Việt Nam. Cùng với Thương mại quốc doanh cả nước mạng lưới thương mại quốc doanh Cao Bằng được hình thành nhanh chóng, rộng khắp trên địa bàn tỉnh với nhiệm vụ quan trọng thu mua, cung cấp, vận chuyển lưu thông hàng hoá phục vụ cho tiền tuyến và phục vụ nhân dân. Với các phong trào thi đua “ Vững tay búa, chắc tay súng”, “ Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”,...cán bộ, công nhân viên ngành Công Thương vừa dũng cảm chiến đấu vừa hăng hái lao động, sản xuất, hoàn thành xuất sắc hai nhiệm vụ chính là: Xây dựng cơ sở vật chất cho Chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc và chi viện cho chiến trường Miền Nam; với tinh thần “ Tất cả cho tiền tuyến”, “ Tất cả vì thống nhất Tổ Quốc”, các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp còn non trẻ đã sản xuất ngày đêm, quên mình phục vụ yêu cầu của chiến trường. Ngành Thương mại đảm bảo tốt vai trò “ Nội trợ của xã hội”, xây dựng mạng lưới mậu dịch quốc doanh và hợp tác xã mua bán rộng khắp từ thành thị đến nông thôn, từ hậu phương ra tiền tuyến, đưa hàng đến phục vụ cho cơ quan, xí nghiệp, đáp ứng nhu cầu sản xuất, chiến đấu và đời sống của nhân dân. Nhiều đồng chí cán bộ, công nhân viên của ngành đã anh dũng hy sinh cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc trong khi làm nhiệm vụ; góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân ta làm nên những chiến thắng vĩ đại, thống nhất đất nước.

    Trải qua 70 năm xây dựng và trưởng thành, sau 35 năm đổi mới, ngành công thương đã nỗ lực phấn đấu đạt được những thành tựu quan trọng. Đặc biệt, trong giai đoạn 2016-2020, kinh tế Việt Nam nói chung và kinh tế tỉnh Cao Bằng nói riêng tiếp tục đối mặt với những khó khăn thách thức lớn. Trong đó, sản xuất công nghiệp chịu tác động mạnh do nguyên, nhiên liệu, vật tư đầu vào đều tăng; lãi suất ngân hàng đã giảm song việc tiếp cận các nguồn vốn vay cho đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn; thị trường tiêu thụ các sản phẩm bấp bênh, hàng tồn kho lớn, sản xuất cầm chừng kém hiệu quả, sức mua thị trường giảm,....đặc biệt năm 2020 là một năm đầy thách thức, khó khăn và bất ổn với dịch bệnh COVID-19 bùng phát và lây lan trên diện rộng, cạnh tranh giữa các cường quốc chiến lược ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, được sự quan tâm chỉ đạo chặt chẽ, sát sao của tỉnh và của ngành công thương, nên sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục được duy trì, đảm bảo lưu thông hàng hóa đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn. Kết thúc năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá HH) đạt 4.700 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 là 19%/năm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2020 đạt 8.969 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 là 12%/năm. Hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh mấy năm trước có sự tăng trưởng mạnh, cơ sở hạ tầng kỹ thuật tại các cửa khẩu được quan tâm đầu tư, tạo điều kiện cho hoạt động xuất khẩu trên địa bàn. Năm 2019-2020 do dịch bệnh Covid 19 tại Trung Quốc và cả phía Việt Nam gây gián đoạn hoạt động xuất nhập khẩu tại Cao Bằng, mặt khác do Chính sách biên mậu của phía Trung Quốc luôn có thay đổi chuyển mạnh từ thương mại “tiểu ngạch” sang xuất nhập khẩu chính ngạch, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa nên lượng hàng hóa giao dịch giảm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt thấp. Kim ngạch xuất khẩu qua địa bàn tỉnh năm 2020 đạt 278,246 triệu USD, Kim ngạch nhập khẩu đạt 166,154 triệu USD. Trong giai đoạn này hoạt động sản xuất công nghiệp đã thu hút được nhiều thành phần kinh tế tham gia đầu tư như đầu tư phát triển thủy điện, trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay đã đầu tư hoàn thành đưa vào hoạt động 09 nhà máy thủy điện, nâng tổng số nhà máy thủy điện đang hoạt động trên địa bàn tỉnh lên 20 nhà máy, tổng công suất lắp máy trên 212 MW, sản lượng điện phát ra  năm 2020 đạt trên 680 triệu kwh; đầu tư vào chế biến các sản phẩm nông lâm sản với thế mạnh vùng nguyên liệu của địa phương. Một số sản phẩm công nghiệp có chất lượng, giá trị cao, có sức cạnh tranh trên thị trường như Fêrômangan các loại, phôi thép, chiếu trúc, miến dong...

Trong đầu tư phát triển cụm công nghiệp, đến nay UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch chi tiết giai đoạn 2020 và định hướng đến năm 2025 cho 10 cụm công nghiệp với tổng diện tích đất quy hoạch đến năm 2020 là 315 ha và đến năm 2025 là 440 ha; Việc thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia cũng đạt được những kết quả khả quan. Đến nay 100% số xã, phường, thị trấn có điện lưới Quốc gia, trong đó số hộ được sử dụng điện lưới Quốc gia đạt 91,04%, trong đó số hộ nông thôn được sử dụng điện lưới Quốc gia đạt 87,95%. Về tiêu chí chợ nông thôn mới (tiêu chí 7 Bộ tiêu chí Quốc gia xây dựng nông thôn mới), đến nay có 02 chợ đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới.

 Ngành công thương luôn trú trọng xây dựng, kiện toàn bộ máy tổ chức, đào tạo, bồi dưỡng những cán bộ có năng lực, có phẩm chất chính trị và chăm lo phát triển đội ngũ công nhân và công chức, viên chức. Trong đó, tổ chức cơ sở Đảng luôn vững mạnh, phát huy được vai trò hạt nhân lãnh đạo, tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên,...với các phong trào hoạt động có hiệu quả, đóng góp vào thành tích chung của ngành. Ghi nhận những đóng góp của ngành Công Thương năm 2007 Sở Công Thương Cao Bằng được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba; nhiều đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở đã được tặng thưởng các danh hiệu cao quý như: Huân chương lao động, Cở thi đua xuất sắc của Chính phủ, Bộ, UBND tỉnh; hàng trăm cán bộ, công chức, viên chức, công nhân lao động đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua các cấp,...

          Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định ba nội dung đột phá và ba chương trình trọng tâm. Trong đó: “Phát triển kinh tế cửa khẩu, nhằm xây dựng kết cấu hạ tầng Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh đồng bộ, hiện đại, khai thác và phát huy tối đa lợi thế 333 km đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc, xây dựng Cao Bằng trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa từ các nước ASEAN sang thị trường Trung Quốc và ngược lại”. Phát triển nông nghiệp thông minh và nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa đặc hữu gắn với chế biến nhằm xây dựng thương hiệu, tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp, hướng đến xuất khẩu ra thị trường trong và ngoài nước. Phát triển du lịch - dịch vụ bền vững, đưa du lịch - dịch vụ Cao Bằng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng Cao Bằng trở thành trung tâm du lịch của các tỉnh khu vực Trung du, miền núi phía Bắc. Phấn đấu đạt tốc độ tăng GRDP bình quan cả giai đoạn từ 8% trở lên.

  Để góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XIX đề ra. Phát huy những kết quả đạt được những năm vừa qua, ngành Công Thương Cao Bằng đặt mục tiêu tăng trưởng ngành công nghiệp giai đoạn 2020-2025 đạt trên 11%/năm; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng 10%/năm; tổng kim ngạchxuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh tăng 10%/năm

 Ngành Công Thương  tập trung triển khai một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm:

       Đảm bảo lưu thông hàng hóa thuận lợi, cung cấp đầy đủ hàng hóa đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân, nhất là cung cấp các mặt hàng thiết yếu phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới; không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, tăng giá đột biến. Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh đạt hiệu quả cao.

- Tập trung triển khai thực hiện tốt các Chương trình của Chính phủ, Bộ Công Thương, UBND tỉnh đã ban hành, trên cơ sở xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện Chương trình hành động cụ thể của ngành, tập trung thực hiện đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, kiểm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Bán sát nắm tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh.

- Tiếp tục xây dựng, rà soát, bổ sung các quy hoạch phát triển ngành công nghiệp, thương mại, hoàn thiện, bổ sung các quy hoạch chi tiết ngành, lĩnh vực chủ yếu.Tranh thủ các nguồn vốn thu hút đầu tư, tập trung xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng tại các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu.

- Tăng cường hoạt động theo dõi, kiểm tra, kiểm soát các diễn biến của thị trường để chủ động đề xuất các biện pháp xử lý nhằm đảm bảo ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng khán hiếm hàng hóa, tăng giá đột biến, nhất là tại thời điểm lễ, tết.  Phối hợp  thực hiện các Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với việc thực hiện cuộc vận động” Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đưa hàng Việt về nông thôn. Tăng cường công tác hoạt động xúc tiến thương mại, hợp tác quốc tế, tham gia hội thảo, hội chợ triển lãm,...nhằm quảng bá giới thiệu sản phẩm hàng hóa, tạo cơ hội cho doanh nghiệp giao lưu phát triển quan hệ buôn bán, tìm kiếm đối tác, hợp tác liên doanh, mở rộng thị trường,...

- Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã, đang và sẽ tham gia ký kết với các đối tác, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương ( TPP ), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á – Âu ( VN-EAEU FTA ), để các doanh nghiệp, địa phương chủ động khai thác có hiệu quả các cơ hội phát triển và giảm thiểu các tác động bất lợi.

- Tăng cường công tác đào tạo nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức nhằm nâng cao vai trò hiệu lực quản lý Nhà nước đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh ngành công nghiệp, thương mại. Thưc hiện tốt cuộc vận động “ Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

 

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập