Hội nghị ngành công thương 14 tỉnh, thành phố trung du miền núi bắc bộ
Lượt xem: 112
Cục Công nghiệp địa phương (AIP) đã phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Lai Châu tổ chức Hội nghị ngành Công Thương 14 tỉnh, thành phố vùng Trung du miền núi Bắc bộ (TDMNBB). Tham dự và chủ trì Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú. Đây là một trong những hoạt động thường niên của Bộ Công Thương nhằm đánh giá kết quả đã đạt được và triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm của vùng.
       Theo báo cáo, năm 2011 và 9 tháng đầu năm 2012, hoạt động công nghiệp, thương mại trong vùng mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng với sự chỉ đạo tích cực của các cấp, các ngành, sự đồng hành của các doanh nghiệp trong vùng đã phấn đấu hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch đề ra. Năm 2011, giá trị sản xuất công nghiệp tăng trưởng 12,96%, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tăng 28,37%; 9 tháng đầu năm 2012 vẫn duy trì được mức tăng trưởng khá, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 17,41%, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tăng 21,93% so với cùng kỳ năm 2011; kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp, thương mại được quan tâm đầu tư, cải thiện đáng kể.

        Công tác khuyến công và xúc tiến thương mại được quan tâm, hỗ trợ ngân sách cả từ trung ương và địa phương nên đã có nhiều chuyển biến tích cực; nhiều ngành nghề truyền thống được khôi phục và phát triển. 9 tháng đầu năm 2012, tổng kinh phí khuyến công quốc gia năm 2012 đã giao thực hiện trong khu vực 18.151,83 triệu đồng với 71 đề án. Đã thực hiện ký hợp đồng tổng số kinh phí là 16.913,83 triệu đồng (đạt 93,18%) với 69 đề án.

         Tình hình đầu tư và phát triển cụm công nghiệp (CCN) Theo quy hoạch đến năm 2020 trong toàn Vùng có 253 CCN với tổng diện tích đất là khoảng 9.300 ha chiến khoảng 42% so với tổng diện tích đất quy hoạch công nghiệp của Vùng. Trong đó, có 123 cụm đã được thành lập với tổng diện tích khoảng 4.150 ha (chiếm 45% diện tích đất quy hoạch đến năm 2020), tổng diện tích đất công nghiệp theo Quy hoạch của các CCN đã thành lập là 2.690 ha; Trong Vùng đã có 67 CCN đi vào hoạt động với tổng diện tích đất công nghiệp (theo quy hoạch) là 1.550 ha, trong đó diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê là 1.240 ha, đã cho thuê 670ha, đạt tỷ lệ lấp đầy bình quân 43,22%; Các CCN trong Vùng đã thu hút được 475 dự án vào sản xuất kinh doanh trong cụm với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 15 nghìn tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần 30.000 lao động. Đến nay có 3/67 CCN có hệ thống xử lý nước thải đã đi vào hoạt động

         Thị trường nông thôn được các doanh nghiệp quan tâm với việc đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động "người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã từng bước tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa trong nước chiếm lĩnh được thị trường và tạo niềm tin cho người tiêu dùng; Hoạt động xuất nhập khẩu mặc dù chịu ảnh hưởng của suy giảm kinh tế thế giới, nhưng kim ngạch xuất nhập khẩu của các địa phương trong vùng vẫn tăng trưởng ổn định, sự phối hợp trao đổi thông tin về thị trường xuất khẩu giữa các tỉnh trong khu vực ngày càng được đẩy mạnh.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú đánh giá cao những kết quả đã đạt được của ngành, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều khó khăn như hiện nay. Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng chỉ ra một số hạn chế như: cơ cấu ngành công nghiệp của vùng tuy có sự chuyển biến tích cực, đúng định hướng nhưng còn chậm so với yêu cầu phát triển. Hàm lượng giá trị gia tăng trong sản xuất công nghiệp còn thấp, tỷ lệ sản xuất gia công còn cao; phần lớn các cơ sở công nghiệp của vùng ở quy mô nhỏ và vừa, chưa xây dựng được thương hiệu mạnh, chưa thể hiện được uy tín trên thị trường khu vực và quốc tế; năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp còn yếu, nhất là về năng suất lao động; mặt hàng xuất khẩu của các địa phương thường là hàng thô hoặc sản phẩm gia công, giá trị gia tăng thấp nên kim ngạch xuất khẩu không cao; trong khi sản phẩm nhập khẩu lại là máy móc, thiết bị, nguyên, nhiên, phụ liệu, đã làm cán cân thương mại nhập siêu; đồng thời làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa, doanh nghiệp trong nước, v.v... Để giải quyết những hạn chế này, đồng thời hoàn thành nhiệm vụ được giao cho những tháng cuối năm 2012, Thứ trưởng yêu cầu ngành công thương các tỉnh TDMNBB tiếp tục tăng cường công tác quy hoạch; quan tâm quy hoạch vùng để phát huy lợi thế của từng tỉnh, thành phố; đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; phát triển sản xuất công nghiệp, tăng giá trị xuất khẩu, hạn chế nhập siêu.

         Để tiếp tục phát triển mối quan hệ gắn bó trong ngành Công Thương từ Trung ương với các địa phương, Bộ Công Thương đồng ý với đề nghị của các Sở Công Thương trong vùng về việc Sở Công Thương tỉnh Hòa Bình sẽ đăng cai, phối hợp với Cục Công nghiệp địa phương tổ chức Hội nghị ngành Công Thương vùng trung du và miền núi Bắc Bộ lần thứ XV - năm 2013.
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập