Bộ Công Thương tổng hợp báo cáo tình hình ngày Mùng 1 Tết Tân Sửu 2021
Lượt xem: 57

Ngày 12 tháng 02 năm 2021 (tức Mùng 1 Tết âm lịch), nhân dân chủ yếu đi chơi Tết, thăm hỏi, cúng lễ đầu năm, hoạt động mua bán hàng hóa rất ít do phần lớn các cơ sở kinh doanh đều nghỉ Tết. Tại các thành phố lớn, một số trung tâm thương mại, siêu thị mở cửa xuyên Tết phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân như Aeon Mall hay một số chuỗi hệ thống cửa hàng tiện lợi Circle K, Family Mart, B’s mart, 24h Cheers. Một số siêu thị khác đã tăng thời gian hoạt động trước Tết và sẽ mở cửa sớm đầu năm Tân Sửu từ mùng 2 Tết.

Tình hình cung - cầu, giá cả trên thị trường

Theo phong tục truyền thống, ngày Mùng 1 Tết người dân thường đi Lễ đầu năm tại các đền, đình, chùa nên các mặt hàng được tiểu thương bày bán và được tiêu thụ trong ngày hôm nay chủ yếu là các mặt hàng như hoa, quả tươi, bánh kẹo phục vụ cúng, lễ tại đền, đình, chùa... Tuy nhiên, năm nay nhu cầu ít hơn khá nhiều do người dân lo ngại lây nhiễm dịch Covid-19 trước những diễn biến phức tạp của dịch và khuyến cáo của chính quyền địa phương về việc hạn chế đi lễ chùa để tránh lây lan dịch bệnh.

Giá một số hàng hoá thiết yếu trong ngày Mùng 1 Tết tại siêu thị, cửa hàng tiện lợi có mở cửa xuyên Tết ổn định so với ngày hôm trước, cụ thể như sau:

- Mặt hàng lương thực giá ổn định: giá các loại gạo tẻ thường từ 14.000-16.000đ/kg; gạo chất lượng cao (tám xoan, tám Hải Hậu) từ 18.000 - 25.000 đ/kg.

- Mặt hàng thực phẩm: giá thịt lợn loại ngon (sườn non, ba chỉ, nạc vai đầu giòn) ở mức 170.000 – 200.000 đồng/kg; thịt loại 2 như sấn, nạc vai, thăn dao động ở mức 130.000 - 160.000 đồng/kg; giá gà ta làm sẵn của CP dao động phổ biến từ: 90.000-100.000đ/kg; giá gà công nghiệp (làm sẵn) dao động khoảng 60.000-70.000 đ/kg; thịt bò thăn dao động từ 330.000-360.000đ/kg.

- Thực phẩm chế biến: Giá giò lụa phổ biến 180.000-200.000 đ/kg; giò bò 300.000-320.000 đ/kg; lạp xưởng vissan 3 Bông mai: 160.000-170.000 đ/kg.

 

- Mặt hàng công nghệ thực phẩm: đường bán lẻ ở mức 20.000-21.000 đ/kg; dầu ăn: 42.000-44.000 đ/lít, bia lon Heineken từ 380.000-400.000đ/thùng; Cocacola 170.000-185.000đ/thùng; bia lon Hà Nội giá 220.000-240.000 đ/thùng;

- Hoa, quả các loại: cam lòng vàng 21.500 đ/kg, cam sành loại 1 28.000 – 30.000 đ/kg, cam canh 60.000-80.000 đ/kg, xoài cát chu: 60.000-75.000 đ/kg, bưởi da xanh 70.000-80.000 đ/kg; dưa hấu không hạt 22.000-24.000 đ/kg…; Hoa cúc 50.000-60.000 đ/chục, hoa hồng loại có cành lộc 80.000-100.000 đ/chục…

Dự báo: Trong ngày Mùng 2 Tết có thêm một số siêu thị mở cửa trở lại như Big C, Saigon Co.op, Aeon, MM Mega Market..., bên cạnh đó tiểu thương tại một số chợ lớn cũng bắt đầu bán hàng trở lại phục vụ người dân, chủ yếu tập trung vào mặt hàng rau, củ, quả, thực phẩm tươi sống.

Tình hình sản xuất kinh doanh hàng phục vụ Tết của các đơn vị ngành Công Thương tính đến ngày 01 Tết Tân Sửu

Ngành Công nghiệp thực phẩm: Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên Đán, các doanh nghiệp sản xuất ngành CNTP đã có kế hoạch sản xuất và hệ thống các nhà phân phối đã chuẩn bị dự trữ một lượng hàng hóa lớn. Đồng thời các doanh nghiệp cũng đẩy mạnh các chương trình khuyến mại và truyền thông để người tiêu dùng biết và mua sắm.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có phương án vừa đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh vừa đáp ứng yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Nguồn cung hàng hóa dồi dào và được phân phối tại các kênh siêu thị, cửa hàng, chợ truyền thống và kênh thương mại điện tử với nhiều chủng loại sản phẩm thực phẩm và đồ uống phong phú, giá cả ổn định.

Tại các siêu thị lớn như Vinmart, Big C, Lotte Mart, Co.op mart…lượng hàng hóa bánh kẹo được sản xuất trong nước bởi các Công ty như Kinh Đô, Orion, Hải Hà, Bibica… chiếm trên 80%, phần còn lại được nhập khẩu từ các nước trên thế giới.

Tình hình sản xuất kinh doanh các doanh nghiệp trong ngành CNTP Tết Nguyên Đán 2021:

- Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên Đán, không để xảy ra tình trạng khan hiếm, thiếu hàng, các doanh nghiệp đã có kế hoạch sản xuất và dự trữ một lượng hàng hóa lớn. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng đẩy mạnh các chương trình khuyến mại và truyền thông để người tiêu dùng biết và mua sắm, đảm bảo ổn định nguồn cung và giá cả hợp lý trong dịp Tết. Bên cạnh nguồn hàng phân phối tại các kênh siêu thị, các sản phẩm thực phẩm và đồ uống cũng được bày bán khá phổ biến ở các cửa hàng, chợ truyền thống và kênh thương mại điện tử với nhiều chủng loại và giá cả đa dạng.

- Lượng khách hàng dịp trước tết tăng từ 35-40%, doanh thu tăng trên 30% so với ngày thường. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu hơn nên xu hướng mua sắm đã thay đổi so trước. Người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm được sản xuất trong nước, có chất lượng bởi các doanh nghiệp có thương hiệu. Trong các siêu thị lớn, bánh kẹo sản xuất trong nước chiếm đến hơn 80%.

- Các cơ sở sản xuất kinh doanh đã chuẩn bị các kịch bản ứng phó với các tình huống có thể xảy ra để luôn đảm bảo nguồn cung hàng hóa vừa bảo đàm phòng chống dịch bệnh Covid 19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Ngành công nghiệp chế biến chế tạo: Hầu hết các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đều tạm dừng sản xuất để nghỉ tết, chỉ trừ một số doanh nghiệp trong ngành Giấy, Xi măng... vẫn duy trì sản xuất một sản lượng nhất định do đặc thù dây chuyền sản xuất phải vận hành liên tục của các ngành này. Một số doanh nghiệp trong các ngành khác như điện tử, ô tô... vẫn duy trì vận hành một số bộ phận/dây chuyền có tính chất sản xuất liên tục (như dây chuyền sơn tĩnh điện trong các doanh nghiệp ô tô...), tuy nhiên không sản xuất ra sản phẩm hoàn chỉnh mới.

 

Ngành thép: các mặt hàng như thép xây dựng được quản lý nhằm bình ổn giá. Bộ sẽ có báo cáo trong trường hợp xảy ra đột biến về giá cũng như cung cầu của các mặt hàng bình ổn giá.

Ngành khoáng sản: Các doanh nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản đều nghỉ trong dịp Tết.

Ngành dệt may – da giày: Đặc thù là ngành thâm dụng lao động, các doanh nghiệp dệt may, da giày phải sử dụng nhiều lao động di cư từ khắp các tỉnh thành trên cả nước, do vậy, các doanh nghiệp đều cho lao động nghỉ Tết theo lịch công bố của Chính phủ. Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, ngành vẫn đạt tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số sản xuất ngành dệt và chỉ số sản xuất trang phục lần lượt tăng 16,6% và 9,9% so với cùng kỳ năm 2020. Một số sản phẩm trong ngành có tăng 35,6% so với cùng kỳ; sản xuất vải dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo ước đạt 92,4 triệu m2, tăng 20,4% so với cùng kỳ; quần áo ước đạt 380,1 triệu cái, tăng 9,3%. Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc tháng 01 ước đạt 2,6 tỷ USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất da và các sản phẩm liên quan tăng 20,8% so với cùng kỳ năm 2020; sản lượng giầy, dép da tháng 1 ước đạt 21,9 triệu đôi, tăng 3% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu giầy, dép các loại tháng 01 ước đạt 1,8 tỷ USD, tăng 26,4% so với cùng kỳ.

Ngành điện tử: Các doanh nghiệp điện tử đang đón đầu xu hướng chuyển dịch sản xuất từ các tập đoàn điện tử đa quốc gia, mở ra cơ hội tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu cho các doanh nghiệp điện tử trong nước. Tháng 1/2021, ngành điện tử tăng trưởng 38% so với cùng kỳ năm ngoái. Các doanh nghiệp điện tử thực hiện nghỉ Tết theo lịch công bố của Chính phủ, không phải duy trì sản xuất liên tục trong dịp Tết.

Ngành hoá chất: Trừ một số danh nghiệp do một số đặc thù công nghệ, các doanh nghiệp ngành hóa chất đã nghỉ Tết, các đại lý đã chủ động thu mua hàng hóa để cung ứng ra thị trường, đáp ứng đủ nhu cầu trước, trong và sau Tết Nguyên Đán. Riêng đối với mặt hàng phân bón, do chuẩn bị canh tác cho vụ đông xuân ngay trong những ngày đầu năm mới nên hiện nay giá các loại phân bón đang có xu hướng gia tăng.

 

Các nhà máy sản xuất DAP và Urê hoạt động bình thường; các nhà máy phân lân và hai nhà máy NPK (Bình Điền và Công ty phân bón miền Nam) nghỉ tết năm ngày sau đó hoạt động trở lại. Tổng lượng phân bón đáp ứng đủ nhu cầu, không có hiện tượng thiếu hàng, tăng giá đột ngột. Đối với các đơn vị hóa chất cơ bản, Công ty CP Hóa chất Việt Trì nghỉ 06 ngày tết, Công ty cổ phần Hóa chất cơ bản Miền Nam hoạt động bình thường.

Tình hình kiểm tra, kiểm soát và bình ổn thị trường

Công tác trực Tết

Công tác trực Tết của lực lượng QLTT được thực hiện nghiêm túc theo Chỉ thị số 15/CT-BCT ngày 30/10/2020 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2020 và dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021; Công văn số 430/BCT-VP ngày 25/01/2021 của Bộ Công Thương và chỉ đạo của Tổng cục QLTT . Các đơn vị khối cơ quan Tổng cục và Cục QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện phân công công tác bảo đảm đủ số lượng công chức trực 24/24, duy trì công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, quản lý tốt địa bàn để kịp thời xử lý các tình huống xảy ra.

Tình hình thị trường

Đến ngày 11/02/2021 (ngày 30 Tết), các hoạt động kinh doanh trên địa bàn vẫn diễn ra khá nhộn nhịp tại khu vực trung tâm, siêu thị, hệ thống cửa hàng lớn. Mặt hàng được tiêu thụ mạnh là: Bánh kẹo, rượu, bia, nước giải khát, thực phẩm tươi sống, cây cảnh, hoa tươi, quả tươi, quần áo, giầy dép và các mặt hàng phục vụ tiêu dùng khác... Nguồn cung và giá cả các mặt hàng nhìn chung ổn định, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Giá cả một số hàng hoá thiết yếu có tăng nhẹ phù hợp với quy luật cung cầu thị trường, không có đột biến giá xảy ra. Sáng ngày Mùng 01 Tết Tân Sửu, các hộ kinh doanh, trung tâm thương mại và siêu thị đều tạm ngừng hoạt động để vui đón Tết.

Do tình hình diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 nên năm nay người dân hạn chế đi lại, hầu hết các hoạt động vui chơi ngày tết, các điểm lễ hội, danh lam thắng cảnh, đình chùa, các điểm vui chơi vắng vẻ, không nhộn nhịp bằng các năm trước. Hoạt động kinh doanh giảm hơn rất nhiều so với những ngày trước Tết Nguyên đán Tân Sửu, nhìn chung tình hình thị trường ổn định, nguồn cung đảm bảo cầu, không có hiện tượng tăng giá đột biến, lợi dụng khan hiếm hàng hóa giả tạo để thu lời bất chính.

Tình hình chỉ đạo kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm và công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19

Triển khai thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngày 24/11/2020, Bộ Công Thương đã ban hành Kế hoạch số 17/KH-TCQLTT, đồng thời, phổ biến, quán triệt thực hiện nghiêm Kế hoạch số 540/KH-BCĐ389 ngày 18/12/2020 của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, chỉ đạo lực lượng QLTT mở đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp cuối năm 2020; trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Trước tình hình diễn biến mới của dịch bệnh COVID-19, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương về thực hiện biện pháp chủ động phòng chống dịch COVID-19, cụ thể đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Tổng cục chủ động, phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tăng cường công tác quản lý địa bàn, giám sát, kiểm tra việc niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết, tập trung kiểm tra các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để đầu cơ, găm hàng, mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lý đối với các loại hàng hóa thiết yếu đặc biệt là trang thiết bị, vật tư y tế,... dùng để phòng, chữa bệnh khi thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do dịch bệnh Covid-19.

Bộ Công Thương đã chỉ đạo lực lượng QLTT quán triệt trong trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm thì xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật nhưng lưu ý không làm ảnh hưởng đến việc cung cấp các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân trong thời gian dịch bệnh. Chủ động nắm bắt thông tin, theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình, diễn biến thị trường để kịp thời ứng phó với các trường hợp khẩn cấp tại địa phương theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao. Trong trường hợp xuất hiện dấu hiệu khan hiếm đối với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, thiết bị vật tư y tế, dược phẩm, xăng dầu, gas,... báo cáo Ủy ban nhân dân các cấp, Ban Chỉ đạo 389 địa phương và Bộ Công Thương để chỉ đạo, giải quyết kịp thời.

Tính đến 11h ngày 12/02/2021, theo báo cáo nhanh của lực lượng QLTT, nhìn chung các cơ sở kinh doanh cơ bản đã chấp hành tốt việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ dân sinh tương đối đầy đủ; không phát hiện những diễn biến bất thường nổi cộm về buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.

Nguồn “moit.gov.vn”

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập