Chủ động nguồn hàng phục vụ thị trường Tết
Lượt xem: 47

    Nhiều cửa hàng bán lẻ và doanh nghiệp phân phối lớn trên địa bàn tỉnh chủ động nắm bắt nhu cầu thị trường, xây dựng kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng, ký hợp đồng đặt hàng với các đơn vị cung cấp, đảm bảo cung ứng hàng hóa với số lượng lớn, giá cả ổn định, nguồn hàng phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu mua sắm và thị hiếu người tiêu dùng.

    Theo Sở Công thương, để chủ động dự trữ, cung ứng hàng hoá phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, một số cửa hàng bán lẻ và doanh nghiêp phân phối lớn trên địa bàn tỉnh như: Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Cao Bằng, Công ty cổ phần Thương mại Tổng hợp Cao Bằng, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tư Dung, hộ kinh doanh Cửa hàng Nguyễn Lương... chi hơn 122,8 tỷ đồng nhập hàng hóa. Trong đó, mặt hàng thực phẩm có giá trị 93,6 tỷ đồng; hàng gia dụng gần 6 tỷ đồng; hàng hóa khác hơn 23,3 tỷ đồng.

Hàng nông sản OCOP địa phương Cao Bằng được
Hàng nông sản OCOP địa phương Cao Bằng được đưa vào bày bán tại các cửa hàng, siêu thị phục vụ người tiêu dùng mua sắm Tết.

    Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Tổng hợp Cao Bằng Nguyễn Danh Hải cho biết: Nắm bắt nhu cầu thị trường tiêu dùng Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, từ tháng 11/2023, đơn vị đã lên kế hoạch, ký hợp đồng đặt hàng với các công ty sản xuất, cung ứng hàng hóa lớn trong nước với số tiền dự trữ hàng hóa khoảng hơn 26 tỷ đồng, gồm kênh bán lẻ tại Cửa hàng kinh doanh tổng hợp Cao Bằng và kênh cung ứng, vận chuyển hàng hóa tại 10 huyện, Thành phố. Trong đó, nhóm hàng bánh kẹo, đường, sữa các loại 10,5 tỷ đồng; rượu, bia, thuốc lá, nước giải khát 5,5 tỷ đồng; gạo, mỳ ăn liền, thực phẩm khô 3 tỷ đồng; thực phẩm nước chấm, gia vị, dầu ăn các loại 1 tỷ đồng; đồ gia dụng, hoá mỹ phẩm 1,3 tỷ đồng; hàng hóa khác 2,5 tỷ đồng.

 

 

    Năm nay, hàng hóa phong phú, đa dạng về chủng loại, mẫu mã, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Về mặt bằng giá cả, đa số các mặt hàng tăng từ 1 - 4% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, tập trung vào các mặt hàng: lương thực, thực phẩm, bánh kẹo, đồ uống, đồ gia dụng, hóa mỹ phẩm, các mặt hàng trang trí… Phần lớn các mặt hàng được bày bán là hàng sản xuất trong nước, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nhiều sản phẩm là hàng nông sản của địa phương đạt chứng nhận sản phẩm OCOP.

    Cùng với các nhà phân phối, nhiều cơ sở sản xuất nông sản của tỉnh đang đẩy mạnh sản xuất, kết nối cung cấp cho thị trường Tết. Bà Tô Ái Thương, chủ cơ sở sản xuất bún, phở khô Liên Đồng, xóm Hồng Quang 2, xã Hưng Đạo (Thành phố) cho biết: Cơ sở hiện sản xuất 10 loại bún phở khô các loại, với giá bán trung bình từ 30 - 40 nghìn đồng/kg. Sản phẩm bún, phở của cơ sở được người tiêu dùng đánh giá cao từ chất lượng tốt, mẫu mã đa dạng, phong phú, nguyên liệu sản xuất có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Riêng dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, trung bình mỗi ngày cơ sở sản xuất khoảng 7 tạ bún, phở khô các loại, tăng gấp đôi so với ngày thường để kịp cung ứng cho thị trường trong tỉnh và các tỉnh lân cận.

thanh,toan,09434531.jpg
Hoạt động thanh toán tại các cửa hàng, siêu thị được bố trí khoa học, tránh tình trạng quá tải dịp  cao điểm mua sắm những ngày giáp tết.

    Theo Phó Giám đốc Sở Công thương Nông Văn Khương: Đến ngày 31/1/2024 (tức ngày 21 tháng Chạp), tình hình thị trường hàng hóa dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 trên địa bàn tỉnh tiếp tục được duy trì ổn định, không có biến động bất thường. Giá các mặt hàng thiết yếu như: gas, gạo, thịt, lương thực, thực phẩm,.. không có nhiều thay đổi. Nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ của người dân được đáp ứng. Nguồn cung hàng hóa, dịch vụ phong phú, đa dạng, không có trường hợp đầu cơ, tích trữ để thu lợi bất hợp pháp. Ý thức chấp hành các quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh của các hộ kinh doanh được duy trì. Riêng mặt hàng xăng dầu được điều chỉnh theo quy định của Chính phủ, đáp ứng nhu cầu của người dân, không xảy ra tình trạng thiếu hụt như cùng kỳ năm 2023.

    Tuy nhiên, hoạt động buôn bán hàng hóa nhập lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn diễn ra, khó kiểm soát. Vì vây, ngoài việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm từ phía các lực lượng chức năng, rất cần sự vào cuộc của người tiêu dùng và các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, tiếp tục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong việc phòng, chống buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, không tiếp tay cho hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại. Qua đó, góp phần kiểm soát tốt thị trường, ổn định giá cả hàng hoá dịp Tết Nguyên đán 2024.

Nguồn: https://baocaobang.vn/chu-dong-nguon-hang-phuc-vu-thi-truong-tet-3167280.html

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập