Đảng bộ Sở Công Thương tỉnh Cao Bằng với việc hỗ trợ xây dựng nông thôn mới theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2015-2020
Lượt xem: 187

Hồ Chí Minh vị lãnh tụ thiên tài, người thầy vĩ đại của giai cấp công nhân, nhân dân Việt Nam, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam. Người đã hiến dâng trọn cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp công nhân, giải phóng loài người bị áp bức bóc lột. Người đấu tranh cho sự nghiệp vì độc lập, vì tự do cho dân tộc Việt Nam và người dân bị áp bức trên toàn thế giới. Cuộc đời cao đẹp, tấm gương đạo đức cách mạng của Người là tấm gương sáng, bịnh dị là niềm tự hào của mỗi người dân Việt Nam. Người luôn sống mãi trong lòng Người dân đất Việt và bạn bè quốc tế. Sự bình dị đó được khắc họa qua những hoạt động thường ngày của Người đối với mọi người, từ người già đến trẻ nhỏ, từ nông dân đến tri thức, từ những người dân trong nước đến bạn bè quốc tế. Người đã để lại cho các thế hệ ngày nay và mai sau một di sản tinh thần vô cùng quý giá, đó là tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Nói đến phong cách Hồ Chí Minh là nói đến những đặc trưng giá trị, mang đậm dấu ấn của Người, gắn liền với nhân cách trí tuệ lỗi lạc, đạo đức trong sáng của Hồ Chí Minh. Đó là một phong cách vừa dân tộc, hiện đại, khoa học, cách mạng, cao cả  và vừa thiết thực. Phong cách Hồ Chí Minh được thể hiện trong mọi lĩnh vực và hoạt động của Người, tạo thành một chỉnh thể thống nhất, có giá trị khoa học, đạo đức và thẩm mĩ, bao gồm: phong cách tư duy, phong cách diễn đạt, phong cách làm việc, phong cách ứng xử, và phong cách sinh hoạt, xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân, phong cách chăm lo đời sống cho nhân dân.

Một trong những phong cách mà chúng ta cần học tập ở Chủ tịch Hồ Chí Minh đó là phong cách nói đi đôi với làm. Người là tấm gương sáng về nói đi đôi với làm, Người khuyên cán bộ muốn tập hợp, tuyên truyền cấp dưới, tự mình phải “miệng nói tay làm để làm gương cho nhân dân”. Mọi lời nói, việc làm của Người đều thiết thực và cụ thể. Người đặc biệt lưu ý, đối với nhân dân không thể lý luận suông, chính trị suông, nhân dân cần trông thấy lợi ích thiết thực từ những tấm gương sáng, những việc làm thiết thực của cán bộ.

Để thực hiện “nói đi đôi với làm”, cán bộ, đảng viên phải có chủ động, sáng tạo, cẩn thận trong xử lý các tình huống, sáng suốt, công tâm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Mọi công việc khi đã đưa vào chương trình kế hoạch phải thực hiện bằng được, cần phải biết kết hợp ý kiến chỉ đạo của cấp trên với ý kiến tham mưu đề xuất của cấp dưới, phát huy sức mạnh tổng hợp của quần chúng nhân dân. Phương pháp, tác phong làm việc của người cán bộ đảng viên phải nghiêm túc thực hiện quy tắc ứng xử của công chức viên chức, luôn mẫu mực, chính kiến rõ ràng, thái độ chân thành cởi mở trong giải quyết công việc, kiên quyết chống mọi biểu hiện chủ quan nóng vội, suy thoái tư tưởng.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân. Trước hết, được thể hiện là phải có thái độ đánh giá cao vai trò, vị trí của nhân dân.Theo Bác, muốn thật sự tôn trọng nhân dân thì phải hiểu dân. Chính tài dân, sức dân, của dân, quyền dân, lòng dân, sự khôn khéo, hăng hái, anh hùng đã tạo nên “cái gốc” của dân. Cùng với thái độ đánh giá cao vai trò của nhân dân, ý thức tôn trọng nhân dân còn phải đặc biệt chú ý không xâm phạm đến lợi ích, quyền lợi hợp pháp, không xúc phạm nhân dân. Phải luôn luôn tôn trọng và giữ gìn của công, của nhân dân. Về chăm lo đời sống nhân dân là vì con người, do con người, trước hết là vì dân và do dân. Người nói rằng “tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.

Và việc xây dựng nông thôn mới thực chất là xây dựng người nông dân với những phẩm chất đạo đức cao đẹp: Siêng năng, cần cù, hăng hái thi đua sản xuất và thực hành tiết kiệm; về mặt kinh tế phải làm cho người dân nông thôn có đủ cơm ăn, áo mặc, được học hành đầy đủ, được chăm sóc sức khỏe. Điều cốt lõi trong quá trình xây dựng nông thôn mới là vai trò lãnh đạo của Đảng và chính quyền từ Trung ương đến địa phương. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rằng: Phải có Đảng lãnh đạo thì việc xây dựng nông thôn mới (NTM) thành công được, nhưng lãnh đạo phải có dân chủ, luôn đi sâu, đi sát, mọi việc đều phải đem ra bàn bạc, lấy ý kiến và sự thống nhất của nhân dân. Bên cạnh vai trò của Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp cũng đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

          Từ Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng NTM, Đảng bộ tỉnh Cao Bằng đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII nhiệm kỳ 2015 - 2020 đó là: Phát triển nông nghiệp, nông thôn toàn diện trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế về nông nghiệp của tỉnh gắn với xây dựng nông thôn mới. Hình thành nền nông nghiệp hàng hóa có giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh cao; khai thác có hiệu quả tiềm năng lợi thế về nông lâm nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện mức sống, giảm nghèo bền vững tiến tới phát triển ổn định và hội nhập. Cụ thể: Tốc độ tăng trưởng bình quân ngành nông nghiệp đạt trên 4%/năm. Đến năm 2020 tỷ trọng ngành Nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế là 19,5% (Trong đó: trồng trọt 52,5%; chăn nuôi 33,2%; dịch vụ 2,2%; lâm nghiệp 11,5%; thuỷ sản 0,6%). Xây dựng được 10 mô hình sản xuất nông nghiệp giá trị gia tăng cao, tạo ra sản phẩm gắn với thương hiệu và thị trường ổn định. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 53%. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 25 triệu đồng (tăng gấp 1,7 lần so với năm 2015). Đến năm 2020 có ít nhất 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới; mức độ đạt chuẩn bình quân 12 tiêu chí/xã.

Theo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM tại Quyết định số  952/QĐ-UBND, ngày 27 tháng 6 năm 2017 của UBND tỉnh về phân công cơ quan, các đơn vị phụ trách và giúp đỡ các xã thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2016 - 2020. Sở Công Thương được UBND tỉnh giao nhiệm vụ giúp đỡ xã xã Lê Lai (Thạch An), là 01 trong 25 xã điểm được UBND tỉnh lựa chọn  xây dựng đạt chuẩn NTM giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó kế hoạch đưa xã Lê Lai phấn đấu về đích NTM vào năm 2019.

            Nhận thức rõ vai trò quan trọng của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM là một trong những  nhiệm vụ chính trị của đơn vị, Đảng ủy, lãnh đạo Sở Công Thương đã có những phương hướng chỉ đạo thực hiện cụ thể, rõ ràng thông qua các cuộc họp Đảng ủy, họp giao ban, họp chuyên đề để tuyên truyền, phổ biến cho các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động nhận thức được tầm quan trọng của công cuộc xây dựng nông thôn mới và ban hành các văn bản chỉ đạo kịp thời nhằm mục đích giúp đỡ xã Lê Lai đạt chuẩn NTM trong năm 2019 theo chương trình của UBND tỉnh.

Nói đi đôi với làm là một trong những phẩm chất sáng ngời của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho mọi thế hệ học tập và làm theo. Người luôn nhắc nhở: Nói cái gì phải cho dân tin, nói và làm cho nhất quán, lời nói đi đôi với hành động, lý luận đi đôi với thực tiễn. Một trong những hoạt động có ý nghĩa thực sự đối với người dân đó là việc tham gia chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, cụ thể là sự sáng tạo trong phong cách chỉ đạo thực hiện xây dựng NTM của tập thể Ban chấp hành Đảng ủy, lãnh đạo Sở Công Thương đối với xã Lê Lai huyện Thạch An. Như vậy có thể thấy được sự quan tâm sát sao của Đảng ủy, lãnh đạo, sự ủng hộ nhiệt tình của cán bộ đảng viên, công chức, viên chức và người lao động Sở Công Thương đối với công tác xây dựng NTM, sự quan tâm đó đã để lại những hình ảnh đẹp và gần gũi của Sở Công Thương đối với người dân xã Lê Lai. Việc giúp đỡ xã Lê Lai vừa là nhiệm vụ chính trị của cơ quan đơn vị, vừa là đóng góp một phần nhỏ công sức của toàn thể cán bộ công chức, viên chức người lao động vào công cuộc phát triển kinh tế của địa phương.

Sở Công Thương đã triển khai, thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của Bộ Công Thương, của tỉnh trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn đối với tiêu chí điện nông thôn và tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn trên địa bàn tỉnh và các nhiệm vụ khác được phân công. Đề xuất tiêu chí xây dựng chỉ tiêu đạt chuẩn tiêu chí số 4 và tiêu chí số 7 đối với xã đạt chuẩn NTM nâng cao tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2018 - 2020. Sở đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng NTM của Sở, ban hành quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo để giúp đỡ xã Lê Lai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2016 - 2020 do đồng chí Phó giám đốc Sở làm Trưởng ban, thành viên Ban Chỉ đạo là lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn thuộc Sở.

Kết quả thực hiện từ năm 2013 đến năm 2019, Sở đã phát động phong trào và triển khai các hoạt động có ý nghĩa thiết thực đối với xã Lê Lai: Thông qua chương trình khuyến công, Sở đã hỗ trợ mở 02 lớp bồi dưỡng kiến thức sửa chữa máy nông cụ và vận hành điện nông thôn nhằm nâng cao tay nghề cho 70 nông dân lao động của xã với kinh phí 70 triệu đồng nguồn kinh phí khuyến công địa phương từ đó hình thành các nhóm, tổ dịch vụ sửa chữa góp phần giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho lao động của xã

Sở Công thương hỗ trợ mở lớp bồi dưỡng kiến thức sửa chữa máy nông cụ tại xã Lê Lai, huyện Thạch An từ nguồn khuyến công địa phương

Lãnh đạo Sở đã vận động cán bộ công chức viên chức ủng hộ mỗi người một ngày lương theo văn bản chung hàng năm về chương trình xây dựng NTM của tỉnh. Tổng số tiền ủng hộ cho xã  trên 120 triệu tiền mặt để xây dựng nhà văn hóa thôn Nà Vàng, giải phóng mặt bằng trường mầm non, xây dựng nhà văn hóa trung tâm và Trạm y tế xã, giải phóng mặt bằng các hạng mục công trình nông thôn mới, hỗ trợ  một phần kinh phí cho các hộ nghèo xây dựng nhà cấp 4 đạt chuẩn tiêu chí về nhà ở. Trao tặng 146 suất quà trị giá 48 triệu đồng cho các gia đình chính sách, gia đình tiên tiến trong xây dựng NTM. Chi đoàn Sở Công Thương phối hợp với Đoàn thanh niên Viện nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương đã tổ chức chương trình công tác xã hội từ thiện “Trung thu yêu thương” tặng quà cho các em học sinh tiểu học tại phân trường tiểu học Tân Việt, xã Lê Lai.

Phối hợp với Công ty Điện lực Cao Bằng bố trí nguồn vốn xây dựng công trình kéo điện xóm Lũng Buốt, Lũng Cháo tổng kinh phí 5,4 tỷ đồng; hỗ trợ  240 xuất quà trị giá 111 triệu đồng. Sở đã phối hợp với Công ty Điện lực Cao Bằng tuyên truyền hộ dân sử dùng phần dây dẫn sau công tơ đạt chuẩn theo quy định. Năm 2015 Sở Công Thương đã phối hợp  với Công ty điện lực Cao Bằng khảo sát và bố trí nguồn lực vốn triển khai thực hiện dự án kéo điện về 2 xóm Lũng Buốt, Lũng Cháo cung cấp nguồn điện cho 23 hộ dân trong xóm, hiện nay các hộ dân của 02 xóm này đã được sử dụng điện quốc gia, tổng kinh phí thực hiện công trình là 5,4 tỷ đồng.

           Theo báo cáo của đồng chí chủ tịch UBND xã Lê Lai, đến nay xã Lê Lai đã thực hiện hoàn thành 13/19 tiêu chí trong bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, các tiêu chí chưa hoàn thành là tiêu chí số 5 Trường học, tiêu chí số 6 Cơ sở vật chất văn hóa, tiêu chí số 9 Nhà ở dân cư, tiêu chí số 10 thu nhập, tiêu chí số 11 hộ nghèo, tiêu chí số 17 môi trường và an toàn thực phẩm. Các tiêu chí này hiện nay Sở Công Thương và Ban chỉ đạo nông thôn mới xã Lê Lai đã và đang phối hợp với các đơn vị, người dân đẩy nhanh tiến độ thực hiện, 2/6 tiêu chí chưa hoàn thành trên đã đạt khối lượng thực hiện trên 90% theo quy định, dự kiến đến cuối năm 2019 xã Lê Lai sẽ về đích nông thôn mới.  

Chi đoàn Sở Công Thương Cao Bằng phối hợp Chi đoàn Viện nghiên cứu chiến lược chính sách Công thương tặng quà cho thiếu nhi xã Lê Lai năm 2017

Lãnh đạo Sở Công Thương trao tiền ủng hộ xã Lê Lai XDNTM năm 2018

Tin tưởng rằng cùng với sự quan tâm ủng hộ của các cấp các ngành, và sự cố gắng nỗ lực của chính quyền địa phương, xã Lê Lai sẽ được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới theo kế hoạch của tỉnh đề ra. Sự thành công của công tác hỗ trợ xây dựng NTM đã chứng minh vai trò và uy tín của Đảng ủy, tập thể Lãnh đạo Sở Công Thương là những người chỉ đạo sát sao, đi đầu, tiên phong trong việc thực hiện nhiệm vụ.Sự đóng góp tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa vô cùng to lớn của tập thể cán bộ, lãnh đạo Sở Công Thương, sự ủng hộ của các bộ đảng viên công chức, viên chức, người lao động Sở Công Thương. Qua đó, chúng ta có thể thấy được vai trò to lớn của Đảng ủy, lãnh đạo Sở, các tổ chức đoàn thể trong cơ quan trong việc phát động các phong trào ủng hộ bằng vật chất và tinh thần, tập hợp sức mạnh tập thể cùng nỗ lực hoàn thành mục tiêu đề ra. Góp phần hoàn thành chương trình xây dựng NTM đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII nhiệm kỳ 2015 - 2020.

          Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM là quá trình lâu dài của Đảng và Nhà nước ta nói chung và của tỉnh Cao Bằng nói riêng. Chương trình  đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các tổ chức chính trị xã hội của tỉnh Cao Bằng xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên lâu dài trong những năm tiếp theo. Trong thời gian tới, Sở Công Thương sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh về cơ chế chính sách, kế hoạch, hướng dẫn thực hiện tiêu chí số 4 về điện nông thôn và tiêu chí số 7 về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn của địa phương. Nếu được phân công giúp đỡ các xã NTM giai đoạn 2021 - 2025, bằng sức mạnh của tập thể, Đảng ủy, Ban lãnh đạo Sở, các tổ chức đoàn thể của cơ quan đơn vị sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ giúp đỡ các xã trên địa bàn tỉnh thông qua các hoạt động cụ thể như: Xây dựng chương trình kế hoạch cụ thể, thành lập ban chỉ đạo, ban hành các văn bản chỉ đạo, phát động các  phong trào thi đua, vận động công chức, viên chức, người lao động trong toàn Sở ủng hộ về vật chất và tinh thần. Phối hợp với các Bộ, ngành, các doanh nghiệp có liên quan ủng hộ bằng tiền và vật chất nhằm đưa các xã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021 - 2025 và đến năm 2030. Góp phần phấn đấu đưa số xã đạt chuẩn NTM tăng hơn so với giai đoạn trước, làm thay đổi diện mạo nông thôn Cao Bằng, nâng cao đời sống của nhân dân, củng cố lòng tin của nhân dân  đối với Đảng và Nhà nước trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần xây dựng Đảng ngày càng vững mạnh. 

BTH-TTKC&XTTM

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập