Hợp tác xã Nông Lâm Nghiệp Đồng Tâm - Đổi thay nhờ mô hình trồng rừng, chế biến nông sản.
Lượt xem: 3
Trong những ngày cuối tháng 9, Tôi có dịp tới thăm mô hình trồng rừng và chế biến nông lâm sản Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Đồng Tâm (Cao Bằng), một trong những mô hình HTX kiểu mới đi đầu trong lĩnh vực gieo ươm cây giống, trồng rừng và chế biến nông lâm sản trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.

Vui mừng dẫn chúng tôi ra thăm đồi chè ô long đang vào ngày thu hoạch, chị Đàm Thị Bình Luận chủ nhiệm HTX Đồng Tâm chỉ tay ra xa cho biết, nhờ đổi mới mô hình và tiếp cận những giống cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng đã đem lại hiệu quả bất ngờ. Với thử nghiệm ban đầu 1ha tại xóm Đồng Tâm, huyện Hòa An, cây chè ô long đã cho kết quả khả quan, chị từng bước đầu tư cây giống và mở rộng sản xuất. Đến nay, diện tích trồng chè của HTX đã lên tới 10 ha tại xã Bạch Đằng, huyện Hòa An. sản lượng tiêu thụ hàng năm gần 1,5 tấn, doanh thu đạt 2,2 tỷ đồng/ năm. Tạo công ăn việc làm cho 20 lao động, với thu nhập 4,5 triệu đồng/ tháng.
 Chị Luận cho biết, chè olong là sản phẩm chủ lực của HTX từ những ngày đầu thành lập năm 2007. Đến nay đã gần 10 năm, sản phẩm chè olong của HTX đã bước đầu chinh phục được thị trường Trung Quốc, Đài Loan. Đặc biệt, năm 2012 sản phẩm chè ô long của HTX đã được UBND  tỉnh Cao Bằng lựa chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiểu cấp tỉnh.
Nhìn những nương chè xanh ngút ngàn tầm mắt, những xã viên đang tích cực thu hoạch chè để kịp chế biến, chị Luận trải lòng, những ngày đầu thành lập HTX có diện tích trồng chè 1ha tại xóm Đồng Tâm, huyện Hòa An và sản lượng chè chủ yếu chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu tiêu dùng của khách hàng trong tỉnh. Các khâu chế biến chè chủ yếu là bằng thủ công, chất lượng giữa các mẻ chè không đều, chưa lưu giữ hết được những dưỡng chất hưu ích của lá chè, chè chế biến song nhìn chưa bắt mắt, hình khối không đều, quy cách đóng gói chỉ có 02 loại là gói 0.5kg, 1kg. Để có được diện tích chè đạt tiêu chuẩn xuất khẩu như ngày hôm nay, chị đã không ngừng đi học tập kinh nghiệm các mô hình ở các tỉnh bạn, những tỉnh có thế mạnh về trồng và chế biến chè như Đà Lạt, Lâm Đồng; Văn Chấn – Yên Bái; Đình Lập- Lạng Sơn…tới đâu chị cũng tham khảo về cách thức trồng và chế biến ra sản phẩm chè ô long chất lượng cao, mà vẫn giữ được hương vị của vùng đất. Từ những chia sẻ kinh nghiệm của các đơn vị, chị đã chắt lọc và thử nghiệm với cây chè ô long trồng tại Hoà An- Cao Bằng. Từ những kinh nghiệm và thử nghiệm thực tế, chị đã chủ động bàn với hội viên chuyển đổi mô hình sản xuất chế biến khép kín. Từ sự ủng hộ của các xã viên chị đã xây dựng quy trình sản xuất từ giâm hom cây giống, tới chăm sóc, thu hoạch tới chế biến. Đặc biệt, HTX đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất, chế biến chè của Đài Loan. Trong đó, búp chè sau khi được hái phải được sơ chế ngay, quạt hong khô, diệt men ở nhiệt độ 300-320 độ C rồi vo chè thời gian khoảng 15 đến 20 phút  rồi lại tiếp tục sây khô, sao lăn rồi lại sấy khô ở nhiệt độ phù hợp sau đó chè được phân loại, đóng túi, hút chân không, tạo nên sản phẩm hoàn thiện. Chính vì vậy hương vị chè thơm dịu tinh khiết, không đắng chát, màu nước tươi sáng,  sản lượng tiêu thụ ngày càng tăng, những năm gần đây sản phẩm chè của HTX đã được chấp nhận phân phối tại các cửa hàng lớn, một số siêu thị trong nước và xuất khẩu sang thị trường Đài Loan, Trung Quốc.
Tại thị trường trong nước, HTX đã từng bước thay đổi mẫu mã, đa dạng hoá sản phẩm, đóng gói các loại chè 0,1 kg; 0,2kg; 0,5kg, 1kg... Có loại đóng trong túi nhôm, loại đóng trong hộp giấy cứng, từng bước mở rộng thị trường đưa sản phẩm vào các siêu thị lớn trên toàn quốc.
HTX thành lập từ năm 2007 với 7 hội viên, đến nay HTX đã phát triển và duy trì việc làm cho trên 20 lao động. Cây chè và rừng, các sản phẩm cây trồng đã từng bước đổi thay cuộc sống của các xã viên. Ngoài chè ôlong, HTX Đồng Tâm đã nghiên cứu đầu tư gieo ươm cây giống như keo tai tượng, thông, sa mộc, chè ô long... từ năm 2015. Đến nay trên cơ sở đúc kết kinh nghiệm thực tiễn, kết hợp các đợt thăm quan quan học tập kinh nghiệm, HTX nghiên cữu được quy trình và kỹ thuật ươm cây giống phù hợp với từng loại cây từ khâu làm đất, ủ phân, đóng bầu......  đặc biệt là phương pháp ươm hom đã tạo ra cây giống chất lượng tốt, khả năng trống sâu bệnh và sức đề kháng cao, tỷ lệ sinh trưởng cao, phát triển tốt. Từ năm 2007 đến này HTX đã nhân giống, gieo ươm được trên 500 vạn cây giống phục vụ nhu cầu trồng rừng cho các dự án tỉnh, cung cấp cây giống cho các hộ dân trong tỉnh, góp phần vào việc cải tạo rừng, phát triển kinh tế của nhân dân trong tỉnh. Với kết quả đó, năm 2009 HTX đã đạt giải nhất hội thi sáng tạo tỉnh Cao Bằng lần thứ 2( 2008-2009) về Nhóm giải pháp “gieo ươm giống cây chè bằng phương pháp giâm hom, trồng, chăm sóc và chế biến chè ô long chất lượng cao” của Hội Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Cao Bằng tổ chức.
Bên cạnh đó, HTX đã đầu tư trồng rừng và bảo vệ rừng sản xuất với tổng diện tích hiện nay là 284,2 ha, trong đó diện tích rừng trồng mới từ năm 2012 đến năm 2015 là hơn 160 ha, bảo vệ rừng tự nhiên nghèo kiệt 68,2ha, bảo vệ rừng trồng 7 ha.... Dự kiến diện tích trồng rừng đến năm 2019 sẽ bắt đầu đến chu kỳ khai thác phục vụ cho xưởng chế biến của HTX và một phần phục vụ nhu cầu tại chỗ của địa phương, dự kiến lợi nhuận thu nhập từ trồng rừng trên 18 triệu/1ha.
Đến nay, mô hình HTX Đồng Tâm là một trong những điểm sáng của tỉnh Cao Bằng trong việc phát triển rừng, đầu tư chế biến sản phẩm nông sản, góp phần xoá đói giảm nghèo, nâng cao nhận thức về bảo vệ rừng của người dân trong vùng. Chia sẻ về thành công của mô hình, Chị Luận cười nói, “ HTX Đồng Tâm bước đầu thành công nhờ thực hiện quy chế dân chủ trong HTX. Trước đó, vào tháng 6 năm 2015 HTX đã chủ động chuyển đổi sang hoạt động theo luật HTX năm 2012 trên nguyên tắc tự nguyện, dân chủ, tự chịu trách nhiệm và cùng có lợi, HTX hoạt động theo mô hình vừa quản lý, vừa điều hành. Đại hội xã viên đã bầu ra Hội đồng quản trị gồm 3 người trong Ban kiểm soát. Các phòng ban chuyên môn trong HTX hoạt động chủ động, chịu sự giám sát và điều hành của hội đồng quản trị và Ban kiểm soát. Việc xắp xếp lại bộ máy tổ chức đã làm tăng tính hiệu quả sản xuất kinh doanh, tạo nên sự đồng thuận trong công tác chỉ đạo điều hành, phát huy được sự gắn kết tập thể giữa các thành viên HTX góp phần thúc đẩy HTX phát triển.
Bên cạnh đó, HTX luôn chấp hành tốt những qui định về lao động. Xã viên và người lao động trong HTX được đảm bảo và các quyền lợi theo đúng quy định của Nhà nước về ký kết hợp đồng lao động, thực hiện tốt quy chế dân chủ tại cơ sở, hàng năm tổ chức Hội nghị người lao động và ký thỏa ước lao động tập thể giữa người lao động và chủ nhiệm HTX, HTX thường xuyên quan tâm, chăm lo về điều kiện làm việc, an toàn vệ sinh lao động, tiền lương, tiền thưởng, phúc lợi cho xã viên và người lao động.
HTX luôn tích cực tham gia vào các phong trào từ thiện ở địa phương phát động như: Ủng hộ nạn nhân chất độc da cam, ủng hộ đồng bào bị thiên tai bão lụt, ủng hộ chương trình biển đảo, tiếp sức em đến trường, xây dựng đường nông thôn mới, tặng quà các gia đình chính sách.
Bằng sự năng động dám nghĩ, dám làm, niềm đam mê với rừng và sự đồng thuận của các thành viên HTX, Việc kết hợp mô hình quản lý mới, sự năng động tìm tòi nghiên cứu mô hình sản xuất mới của Hội đồng quản trị và thành viên HTX đã tạo nền tảng vững chắc cho HTX phát triển như ngày nay. Minh chứng cho những thành quả trên HTX Đồng Tâm đã liên tục được UBND tỉnh Cao Bằng, các bộ, ngành Trung ương khen thưởng: Năm 2010 HTX đã được Liên Minh HTX Việt Nam tặng bằng khen về HTX đã có thành tích xuất sắc trong hai phong trào thi đua: Đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX, Liên minh HTX" và " HTX tiên phong trong xóa đói giảm ghèo - xây dựng nông thôn mới; Năm 2012 Sản phẩm chè ô long chất lượng cao của HTX được UBND tỉnh Cao Bằng công nhận là sản phâm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của năm...vv..Thành tích đáng tự hào gần đây nhất ngày 26/1/2016 HTX được Liêm minh HTX Việt Nam tặng cờ thi đua Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua các HTX nông nghiệp cụm thi đua các tỉnh Đông Bắc. Vị thế của HTX nông lâm nghiệp Đồng Tâm ngày càng được vun bồi vững chắc. Hội đồng quản trị và thành viên HTX nông lâm nghiệp Đồng Tâm luôn ấp ủ hoài bão phủ xanh những vùng đất trống, đồi trọc tạo nên một vùng rừng núi màu xanh trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, chế biến nhiều sản phẩm nông nghiệp sạch chất lượng cao. Tin tưởng rằng HTX Đồng Tâm sẽ ngày càng phát triển và đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội tỉnh Cao Bằng.

          HTX nông lâm nghiệp Đồng Tâm chính là mô hình HTX kiểu trong thời kỳ hội nhập cần được phổ biến và nhân rộng.

Tác giả bài viết: Hoàng Minh Huệ - P.KHTC-SCT

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập