Thực trạng và giải pháp phát triển hạ tầng thương mại biên giới trên địa bàn tỉnh Cao Bằng
Lượt xem: 254
Cao Bằng là tỉnh miền núi với trên 333 km đường biên giới đất liền, có nhiều cửa khẩu, lối mở tiếp giáp với các địa phương thuộc Khu tự trị dân tộc Choang tỉnh Quảng Tây - Trung Quốc, trong đó có 01 cửa khẩu quốc tế, 03 cửa khẩu song phương, 02 cửa khẩu phụ và 09 lối mở biên giới rất thuận lợi cho việc phát triển thương mại biên giới
Tại Quyết định số 20/2014/QĐ-TTg ngày 11/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng, các cửa khẩu, lối mở biên giới trên đều nằm trong Khu kinh tế cửa khẩu của tỉnh. Do vậy những năm gần đây tỉnh Cao Bằng rất quan tâm chú trọng xây dựng hạ tầng tại các cửa khẩu biên giới, nhất là tập trung đầu tư Khu kinh tế cửa khẩu, thúc đẩy thương mại biên giới phát triển.
Hiện nay cơ sơ hạ tầng thương mại biên giới tại Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh đã đầu tư tương đối đồng bộ, đến nay có 60 dự án đăng ký đầu tư, đã có 26 dự án đi vào hoạt động, chủ yếu lĩnh vực thương mại dịch vụ, kho bãi phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, trong đó có 09 dự án đã được Tổng cục Hải quan công nhận là địa điểm kiểm tra, giám sát, kho ngoại quan. Hệ thống kho bãi tại Khu kinh tế cửa khẩu nhằm phục vụ nhu cầu tập kết, bảo quản, giao nhận, bốc xếp hàng hóa nhìn chung đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh.
Hệ thống chợ cửa khẩu biên giới trên địa bàn tỉnh hiện có 24 chợ, trong đó chợ trong Khu kinh tế cửa khẩu 15 chợ, chợ biên giới có 09 chợ, đáp ứng thuận lợi nhu cầu trao đổi mua bán hàng hóa của bà con cư dân vùng biên giới, việc lưu thông hàng hóa diễn ra thường xuyên và hiệu quả. Hoạt động tại các chợ biên giới chủ yếu là các hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của bà con nhân dân. Chưa có thương nhân nước ngoài đến đăng ký tham gia kinh doanh tại các chợ biên giới, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu. Ngoài ra Cao Bằng chưa có các loại hình thương mại hiện đại như trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, siêu thị, cửa hàng tiện lợi,... tại khu vực biên giới.
Các chợ biên giới phần lớn đều là các chợ xã, chợ cụm xã họp theo hình thức chợ phiên, chủ yếu phục vụ nhu cầu trao đổi hàng hoá thiết yếu cho người dân vùng biên giới, do đó việc thu ngân sách qua hệ thống chợ này hầu như không đáng kể. Một số chợ hiện nay đã xuống cấp chưa được đầu tư nâng cấp sửa chữa nên chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.
Về hiệu quả đầu tư chợ biên giới, nhìn chung các dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp chợ đã góp phần thoả mãn nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hoá của các tầng lớp dân cư trên địa bàn. Tuy nhiên vẫn còn một chợ trong quá trình đầu tư xây dựng trước đây do công tác khảo sát, đánh giá, dự đoán, dự báo còn hạn chế nên dẫn đến tình trạng chợ xây xong không có người họp chợ, không phát huy được hiệu quả hoạt động, gây lãng phí cho ngân sách và nguồn vốn đầu tư như chợ cửa khẩu Tà Lùng, chợ cửa khẩu Đức Long, chợ Thị Hoa, trung tâm thương mại Trà Lĩnh.  
Đối với hệ thống cửa hàng bán lẻ tại biên giới, chủ yếu là của các thương nhân được hình thành một cách tự phát tại các khu vực chợ cửa khẩu, chợ biên giới phục vụ các nhu cầu thiết yếu hàng ngày của cư dân địa phương. Mặt khác do đặc điểm địa hình bị chia cắt và điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nên hệ thống cơ sở hạ tầng cơ bản nói chung và hệ thống hạ tầng thương mại nói riêng tại các khu vực cửa khẩu, biên giới trên địa bàn tỉnh Cao Bằng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh của tỉnh.
 Để phát triển hệ thống sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động thương mại biên giới, tỉnh Cao Bằng đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, chú trọng chính sách thu hút đầu tư, giảm bớt gánh nặng đầu tư cơ sở hạ tầng từ ngân sách nhà nước, tận dụng nguồn vốn huy động xã hội hóa như kêu gọi hình thức hợp tác công tư, kêu gọi dự án của các nhà đầu tư vào khu kinh tế cửa khẩu,...
Trên tinh thần của Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 và Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày 23/12/2009 của Chính phủ, UBND tỉnh Cao Bằng đã ban hành các quy định cụ thể nhằm định hướng và thu hút các nguồn vốn xã hội hóa của mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng chợ nói chung và chợ biên giới nói riêng như: Quyết định số 214/QĐ-UBND ngày 28/02/2013 Phê duyệt đề án chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ trên địa bàn tỉnh Cao Bằng; Quyết định số 03/2019/QĐ-UBND ngày 27/3/2019 Ban hành quy định về phát triển và quản lý chợ trên địa bàn tỉnh Cao Bằng và một số văn bản liên quan khác.
Cùng với việc đầu tư phát triển hạ tầng thương mại biên giới, tỉnh Cao Bằng luôn quan tâm chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng tạo điều kiện cho công tác quản lý và phối kết hợp của các lực lượng chức năng tại các cửa khẩu, lối mở biên giới như: Trạm kiểm soát liên hợp các cửa khẩu Tà Lùng, Trà Lĩnh, Sóc Giang, Lý Vạn; Nhà làm việc các lực lượng chức năng tại Bản Khoòng, Kỷ Sộc, Lối mở Nà Lạn; Hệ thống điện, cấp thoát nước, hệ thống giao thông kết nối các lối mở với trung tâm huyện, xã để tạo thuận lợi thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới và nhu cầu trao đổi hàng hóa của cư dân vùng biên giới ngày càng phát triển, ổn định.
 Một số giải pháp chủ yếu phát triển hạ tầng thương mại biên giới trong thời gian tới:
- Xây dựng, hoàn thiện hệ thống hạ tầng tại các cửa khẩu, lối mở biên giới, đặc biệt chú trọng đầu tư hạ tầng cửa khẩu Trà Lĩnh; Triển khai thực hiện các thoả thuận, cam kết đã ký, thúc đẩy tiến trình xây dựng Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Trà Lĩnh (Việt Nam) - Long Bang (Trung Quốc).
- Tiếp tục tuyên truyền quảng bá những lợi thế, các chính sách ưu đãi đầu tư tại Khu kinh tế cửa khẩu, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho các nhà đầu tư đến tìm hiểu, tham gia đầu tư, kinh doanh thương mại dịch vụ, xuất nhập khẩu.
- Kiểm tra, đôn đốc các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án đầu tư đã được cấp phép góp phần phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu, thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới phát triển.
 - Ưu tiên nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng Khu kinh tế cửa khẩu, đặc biệt sớm triển khai Dự án Khu trung chuyển hàng hóa nông, lâm, thủy, hải sản tại cửa khẩu Trà Lĩnh để đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn tỉnh.
- Xây dựng những chính sách đặc thù ưu tiên, thu hút các thương nhân trong và ngoài nước đến đầu tư, kinh doanh tại Khu kinh tế cửa khẩu của tỉnh; Phát triển và khai thác hiệu quả hệ thống chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong Khu kinh tế cửa khẩu.
- Phát triển các loại hình chợ (chợ dân sinh ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, chợ trung tâm, chợ chuyên doanh). Chú trọng xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại hiện đại, hệ thống giao thông thông suốt. Nghiên cứu, xây dựng triển khai chính sách ưu đãi, thu hút nguồn lực đến đầu tư, kinh doanh tại các chợ biên giới.
- Cải cách thủ tục hành chính theo hướng minh bạch, gọn nhẹ, tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia hoạt động thương mại biên giới; Có cơ chế chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển hạ tầng kỹ thuật, cung ứng các dịch vụ hỗ trợ thương mại biên giới,...
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập